Trạm thu phí Dầu Giây trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Chủ trương huy động vốn xã hội vào công cuộc hiện đại hóa hạ tầng giao thông (BOT) trong bối cảnh nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, là một chủ trương đúng và đã phát huy hiệu quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, việc đặt trạm thu phí không đúng chỗ và sự thiếu minh bạch của một số không ít dự án đã bộc lộ mặt trái, bất cập của BOT.

Thời gian gần đây, những bất cập trên có phần giảm thiểu; lại có tình trạng nhiều trạm BOT đã hết thời hạn thu phí, không hoạt động từ lâu, nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” gây ách tắc, phiền hà, thậm chí gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Có thể dẫn một vài vụ việc:

- Trạm thu phí bắc Đèo Ngang (Hà Tĩnh), đã dừng thu phí từ đầu năm 2017, nhưng sau 3 năm đứng thi gan cùng Bà Huyện Thanh Quan, mới được giỡ bỏ!

- Trạm thu phí đường tránh T.P Thanh Hóa vừa vô duyên khi đứng nhầm chỗ (gần hầm chui Dốc Xây) bị người dân phản ứng kịch liệt, nhưng sau khi mãn hạn thu phí vẫn như “đó rách ngáng chỗ” vài năm mới được giỡ bỏ.

- Tháng 8 vừa rồi, ngược quốc lộ 13, tôi  thấy có một trạm BOT ở nơi giáp giới T.P Hồ Chí Minh với Bình Dương đã  mấy năm nay không thu phí, vẫn chưa được giỡ bỏ. Sau đó mấy hôm, trên VTV1, có phóng sự người dân T.P Hồ Chí Minh rất bức xúc bởi một “xác BOT” dưới chân cầu vượt nội đô, cũng tồn tại vài ba năm mà chưa ai chôn!...

Khi dựng thì dựng thật nhanh để tận thu phí. Khi đã “nhặt chặt bị” rồi, nhà đầu tư cắp bị ra đi, để lại cái “xác BOT” cho ai đây!

Không ai khác, Ngành Giao thông phải giải quyết những “xác BOT” này. Nếu không có chế tài buộc nhà đầu tư giỡ bỏ trạm BOT sau khi hết hạn thu phí; nếu sợ mất một ít ngân sách, thiển nghĩ Ngành Giao thông nên gọi mấy anh đồng nát; tôi tin, chỉ ngày một, ngày hai, những “khối u” này sẽ được dọn sạch, đường thông, hè thoáng ngay!

Duy Nguyễn