Thượng tướng Nguyễn Văn Được - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam thăm mô hình trang trại của hội viên CCB xã Phú Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Can Lộc là vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa; là nơi sản sinh nhiều danh nhân nổi tiếng và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước. Đặc biệt, 2 năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Huyện ủy, Can Lộc là nơi nổ ra nhiều cuộc biểu tình rầm rộ của quần chúng nhân dân, giành thắng lợi, góp phần làm nên cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh - cao trào cách mạng đầu tiên từ ngày có Đảng.

Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Can Lộc, từ tháng 5 đến 9-1930, trên địa bàn Can Lộc đã nổ ra 40 cuộc biểu tình quy mô huyện và liên xã, hàng trăm cuộc biểu tình, mít tinh quy mô xã, thôn. Lần đầu tiên trong lịch sử chống thực dân, phong kiến, lá cờ đỏ búa liềm tung bay khắp các xóm làng, vẫy gọi công vùng lên đấu tranh lật đổ bộ máy thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai, lập nên các “Làng đỏ”. Đặc biệt, cuộc biểu tình ngày 7-9-1930, với hơn 1.000 nông dân ở các tổng mang cờ đỏ búa liềm, hô vang khẩu hiệu, rầm rộ kéo tới huyện đường. Trước áp lực của quần chúng nhân dân, bè lũ tay sai chạy trốn, để ngõ công đường cho đoàn biểu tình. Sau đó, sáng ngày 22-12-1930, Huyện uỷ Can Lộc tổ chức biểu tình quy mô toàn huyện. Từ sáng sớm, các đoàn biểu tình rầm rộ từ các ngả đường đổ về huyện lỵ; hàng nghìn người hô vang khẩu hiệu đòi giảm tô, bỏ các loại thuế, thả hết tù chính trị, đòi tăng lương, giảm giờ làm… Thực dân Pháp đàn áp dã man, làm 42 người hy sinh và hàng chục người bị thương. Trong những ngày cuối năm 1930 - đầu năm 1931, hầu khắp các địa phương trong huyện Can Lộc sôi sục khí thế đấu tranh, làm tê liệt và tan rã bộ máy thống trị của thực dân, phong kiến; mở ra một giai đoạn mới của phong trào đấu tranh cách mạng. Nhân dân Can Lộc đã lập 73 làng Xô viết ở khắp các tổng trong huyện, trên tổng số 170 làng Xô viết trong toàn tỉnh.

Thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã điên cuồng khủng bố các “Làng đỏ”, gây cho phong trào cách mạng nhiều khó khăn, tổn thất về nhiều mặt. Đến cuối năm 1932, toàn huyện có đến 258 cán bộ, đảng viên và quần chúng bị giết hại; 1.829 người bị bắt, 648 người bị quản thúc... Mặc dù bị kẻ thù dìm trong biển máu, nhưng cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học lịch sử quý giá về lãnh đạo, chỉ đạo phong trào, tổ chức lực lượng, về phát động quần chúng giành, xây dựng và giữ chính quyền. Đây là cuộc diễn tập đầu tiên của quần chúng công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng, để tiến tới Cách mạng Tháng Tám thành công ở Can Lộc nói riêng và trong cả nước.

Phát huy truyền thống Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng, trong kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Can Lộc đã dồn hết sức người sức của cho chiến trường với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để thắng Pháp ở Điện Biên Phủ”... Tiếp đó, Can Lộc lại cùng cả nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”… Biểu tượng sáng ngời của tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là nhân dân làng K130 xã Tiến Lộc trong một đêm tự nguyện tháo dỡ 130 ngôi nhà để lát đường cho xe ra mặt trận. Và Ngã ba Đồng Lộc sẽ mãi mãi sáng ngời tấm gương của 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong trinh liệt, là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng…

Sau Đại thắng mùa xuân 1975, nhân dân Can Lộc bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế. Thực hiện công cuộc đổi mới, Can Lộc đã nhạy bén nắm bắt đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn huyện nhà, biến chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh cách mạng thành chủ nghĩa anh hùng trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương. Nổi bật là từ một huyện thuần nông, Can Lộc đã tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, tích cực phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời, sớm xây dựng nông thôn mới (NTM) với những bước đi cụ thể, sáng tạo như xóa nhà tranh tre dột nát, ngói hóa nhà ở cho nhân dân; triển khai chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, chuyển đổi ruộng đất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ giới hoá nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất…

Tự hào là quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, với quyết tâm chính trị cao và những bước đi cụ thể, cách làm sáng tạo; những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Can Lộc đã chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ tối đa các nguồn lực, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, gặt hái nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Diện mạo Can Lộc có được hôm nay xuất phát từ chủ trương đến tư duy hành động. Nhờ đó, đến cuối năm 2019 tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt gần 4.000 tỷ đồng, thu ngân sách đạt gần 300 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển mạnh mẽ. Lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chăm lo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được quan tâm; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy, nhân dân đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền.

Qua 10 năm thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, huyện Can Lộc đã huy động được hơn 16.000 tỷ đồng, cùng hàng triệu ngày công; nhân dân hiến tặng hàng trăm nghìn mét vuông đất để mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông. Để có thành quả đó phải kể đến vai trò gương mẫu đi đầu của các CCB, Hội CCB. Toàn huyện đã thành lập được gần 1.000 mô hình sản xuất cho thu nhập cao; 100% xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; năm 2018 xã Đồng Lộc được công nhận thị trấn; hiện nay thị trấn Nghèn đang được đề nghị công nhận đạt đô thị loại 4. Đặc biệt, huyện Can Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM, về đích trước 1 năm so với mục tiêu đề ra, là huyện thứ 2 của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM.

Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển quê hương Can Lộc đã đi qua những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Chặng đường tới sẽ còn nhiều thử thách, nhưng tin rằng Can Lộc sẽ tiếp tục vươn xa bằng chính sức mình, đoàn kết, đồng lòng, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; quyết tâm xây dựng huyện Can Lộc sớm đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, thực sự giàu mạnh, văn minh.

Ngày nay, hằng năm đến dịp 12-9, tại mảnh đất ngã ba Nghèn lịch sử, người dân được chứng kiến những giây phút tri ân xúc động của nhiều thế hệ, trở thành một trong những biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; để tiếng trống Xô viết sẽ mãi ngân vang, thúc dục các thế hệ nối tiếp nhau viết tiếp những trang sử vàng, xứng đáng với truyền thống quê hương Can Lộc - quê hương Xô viết anh hùng.

Nguyễn Như Dũng - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Can Lộc