Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 8/2020.

Ngày 4-9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8-2020.

Tại phiên họp, Chính phủ nghe và thảo luận các nội dung: Kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng của năm 2020; kinh tế - xã hội cả năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2020 và dự kiến Kế hoạch đầu tư công năm 2021; việc mở rộng phạm vi và đối tượng của dự thảo Nghị định quy định chính sách hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và nhiều nội dung quan trọng khác...

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Đến nay, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19, trong khi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, không được chủ quan trước dịch bệnh nhưng cũng không thể đóng cửa, vẫn phải lo sản xuất kinh doanh, việc làm cho người lao động.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng: Tháng 8 và 8 tháng của năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cả nước đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, qua đó vừa kiểm soát được dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế. Kinh tế vĩ mô 8 tháng cơ bản duy trì ổn định, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ. Việc chống dịch cần được xác định là một cuộc chiến lâu dài, cần phải “chung sống” với dịch bệnh khi chưa có vắc xin hoặc thuốc đặc trị. Phải thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đề phòng, phong tỏa kiên quyết, chặn đứng nguồn lây, khống chế hiệu quả dịch bệnh; vừa phải duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội ở mức độ cần thiết, nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, tranh thủ và tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh và phát triển bền vững các hoạt động kinh tế.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới. Thủ tướng yêu cầu các Bộ có liên quan, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc, đạt hiệu quả cao.

Hoàng Linh