Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II các năm giai đoạn 2011-2020 chia theo thành thị, nông thôn (đơn vị: %)

Thời gian qua, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ được ví như “phao cứu sinh” hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người yếu thế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Bộ LĐTBXH, tính đến hết tháng 7-2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là hơn 17,5 nghìn tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước T.Ư thực hiện giải ngân gần 12 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13 nghìn hộ kinh doanh, trong đó hơn 11,5 triệu Người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ hơn 11,5 nghìn tỷ đồng; hơn 402 nghìn người lao động được hỗ trợ hơn 403 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng chưa tiếp cận được nhiều doanh nghiệp và người lao động.

Trong 6 tháng đầu năm, có 56.227 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2019), bao gồm: 29.169 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 19.625 doanh nghiệp chờ giải thể, 7.433 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 9.371 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, một số lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 như: Kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo...

Tính đến tháng 6 vừa qua, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Ảnh  hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng cao nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2 là 51,8 triệu người, giảm gần 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước, đây là mức giảm mạnh nhất trong 10 năm qua.

Doanh nhân, CCB Lê Thanh Thủy - Giám đốc Công ty CP giầy Vĩnh Yên cho biết: Lĩnh vực sản xuất giày da vốn khó tuyển và giữ chân người lao động nên trong giai đoạn hiện nay, Công ty vừa phải tập trung cao độ cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, duy trì việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. “Với tình hình này, Công ty chưa bù đắp được số tiền đầu tư trên và rất khó hoàn thành mục tiêu gia công khoảng 2,3 triệu đôi giày thể thao, doanh thu xuất khẩu là 60 triệu USD, doanh thu gia công 350 tỷ đồng trong năm 2020”- ông Thủy nói.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Khánh Hòa và thu hút phần lớn các doanh nhân CCB tham gia kinh doanh, nhưng lĩnh vực này đã và đang chịu ảnh hưởng sớm và lớn nhất do dịch Covid-19 gây ra. Từ đầu năm, các khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng, đến thời điểm này hầu hết đã đóng cửa. Kinh doanh ngưng trệ không chỉ gây khó khăn cho các doanh nhân CCB mà còn ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của hàng nghìn người lao động, trong đó có số lượng lớn CCB và con em của họ. Doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng hằng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng, tiền thuê mặt bằng và nhiều khoản khác. Ngoài ra còn có nhiều CCB tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, nuôi trồng, chế biến hải sản... cũng đang trong tình trạng thua lỗ.

Trước sự quay trở lại của đại dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp chưa khắc phục hết khó khăn gặp phải trong thời gian trước đó, nay lại tiếp tục hứng chịu “cơn thủy triều” với những đợt sóng dồn dập, nguy hiểm. Làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, việc nối lại các chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như hoạt động du lịch, vận tải, sản xuất chưa thể tính được thời điểm cụ thể.

Với mong muốn bao quát, toàn diện các đối tượng và kích thích nền kinh tế, Bộ LĐTBXH vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Ngoài ra, Bộ LĐTBXH còn đề xuất mở rộng đối tượng được vay, giảm một loạt các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận gói vay nhanh chóng, thuận tiện.

Cụ thể, với cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, chính sách ưu tiên doanh nghiệp dưới 10 lao động, được vay tối đa 2 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH. Lao động khu vực nông thôn được vay tối đa 100 triệu đồng để khôi phục, duy trì sản xuất. Lãi suất vay 3,96% (bằng một nửa lãi suất cho vay với hộ cận nghèo). Thời hạn hỗ trợ lãi suất 12 tháng với các khoản vay mới, phát sinh từ ngày 1-9-2020 đến 1-9-2021. Ước tính 10.000 cơ sở sản xuất và 100.000 lao động được hỗ trợ; kinh phí khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

Với nhóm lao động có hợp đồng, bị mất việc hoặc tạm ngưng việc, nghỉ việc không lương có hoàn cảnh khó khăn đang phải thuê nhà, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi, Bộ LĐTBXH đề xuất hỗ trợ trực tiếp với mức 1 triệu đồng/tháng cho người lao động, kèm 1 triệu đồng cho con dưới 6 tuổi. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, tính từ tháng 9 đến tháng 12-2020. Dự kiến sẽ có 1,2 triệu người gồm 1 triệu lao động đang thuê nhà và 200.000 trẻ em phụ thuộc nhận được hỗ trợ. Kinh phí dành cho nhóm này ước tính 3.600 tỷ đồng, trích từ ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm lãi suất vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH bằng 50% lãi suất cho vay hộ cận nghèo (3,96%/năm). Hiện nay, lãi suất cho vay là 7,92%/năm. Thời gian hỗ trợ lãi suất là 12 tháng, áp dụng đối với các khoản vay mới phát sinh kể từ ngày 1-9-2020 đến 1-9-2021.

Hồ Thanh Hương