Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Không biết ai thế nào, chứ những người lính, từng qua chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu ở chiến trường giúp bạn Campuchia (hay còn gọi là chiến trường K), chúng tôi khi gặp lại cán bộ, chỉ huy cấp trên của mình, thường chào là Thủ trưởng! Vừa nghiêm túc, lại ấm áp tình đồng chí, đồng đội thân quen.

Với Thượng tướng Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư, tôi cũng không ngoại lệ.

Ấy là năm 1995, tôi được gặp và trò chuyện khi Ông vào dự chỉ đạo một hội nghị được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tổ chức ở Mỹ Khê (Đà Nẵng). Là người đã từng làm lãnh đạo, chỉ huy quân đội ở các mặt trận, chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi ở Campuchia, tình đồng chí, đồng đội, rồi tình quân dân cá nước đã từng vào sinh ra tử nên tác phong và mọi ứng xử của Ông thật gần gũi, chân tình với mọi người.

Biết ông quê ở Đông Sơn, xứ Thanh, nên lúc hội nghị nghỉ giữa giờ, tôi mạnh dạn thưa: Báo cáo Thủ trưởng, em họ Lê quê ở Điện Bàn, gốc dòng Lê Ngọc  ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa đó”. Ông cười, nhại giọng Quảng: “Rứa là đồng hương rồi hỉ!”. Rồi Ông nói như tâm sự:

- Con  cháu nhà Lê có truyền thống lâu đời gắn bó, kết nối với dòng họ khác giàu lòng yêu nước, thương nòi, ngoan cường đánh giặc ngoại xâm; nhiều đời làm vua, quan lớn trong triều đình, phận làm con cháu hậu lai phải giữ gìn thanh danh, phát huy cái tốt, khắc phục cái chưa tốt, đấu tranh loại bỏ cái xấu.

Thấy tôi tác nghiệp trong bộ quân phục, Ông hỏi: “Cậu làm phóng viên quân đội bao lâu rồi nhỉ?”. Tôi mạnh dạn: “Thưa Thủ trưởng! Gần 20 năm, trong đó có thời làm phóng viên báo Quân khu 5 ở chiến trường Campuchia. Sau khi Quân tình nguyện Việt Nam rút quân, có mấy năm làm trợ lý Tuyên huấn Thành đội Đà Nẵng; rồi về làm phóng viên báo Quân đội nhân dân tại miền Trung - Tây Nguyên”. Ông ôm lấy tôi có vẻ xúc động: “Chà, làm báo ở chiến trường K à! Gian nan vất vả lắm đấy! Bộ đội mình được vua sư Campuchia tôn kính là đội quân nhà Phật qua giúp bạn giải phóng đất nước bạn, dân bạn thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt, Iêng Xary. Cậu có tác phẩm nào kể cho mình nghe nào?”.  

Nghe Thủ tưởng gọi tôi là cậu, xưng mình, lòng dâng lên niềm cảm động ấm áp của tình đồng đội, bèn mạnh dạn: “Thưa Thủ trưởng, em có nhiều bài được đăng trên báo Quân đội nhân dân như mẩu báo: “Dùng đèn ô tô thay cho đèn mổ” viết về bác sĩ Quân y Nguyễn Duy Chương, trong khốn khó đã dùng đèn ô tô pha sáng để mổ vết thương cho đồng đội và nhân dân Campuchia bị thương bởi đạn mìn của bọn Pôn Pốt; bài ký “Những người giữ đền Prết-vi-hia” viết về một tiểu đoàn của Sư đoàn 307, Quân khu 5 ngoan cường giữ chốt, bảo vệ di sản văn hóa thế giới và trồng được nhiều cây ăn quả mát mắt, tự túc được rau xanh trong suốt mùa khô…

- Tốt đấy! - Ông khen. Tôi thấy Ông chợt đăm chiêu, mắt như có sương khói. Hình như Ông nhớ những cánh rừng khộp rừng le khô khốc, nắng nóng như thiêu như đốt, những bãi mìn địch cài, những lần địch phục và sự tổn thất hy sinh của bộ đội ta. Được đà, tôi khoe: “Bên chiến trường K, em cũng làm thơ, sau này được đăng báo, tạp chí  địa phương và Trung ương đó Thủ trưởng.

- Đọc mình nghe thử nào? - Ông gợi ý. Tôi ngập ngừng, rồi cũng cảm hứng đọc: Người ba tuổi lính là tôi/ Yêu mà chưa dám một lời gửi trao/ Ngập ngừng trong cả chiêm báo/ Lời yêu e ấp lối vào mông mênh/ Tình yêu chiếc cầu cập kênh/ Một lần do dự chênh vênh một đời. Ông thốt lên: “Thơ cậu viết về cậu à? Là lính thì tấn công tới tới, chứ sao nghe có vẻ hụt hẫng thế?”. Tôi thưa:  Em viết cho anh Mười - một cán bộ đại đội có người yêu trong nước, nhưng điều kiện ở chiến trường giúp bạn nên chưa thuận lợi, người yêu ở quê nhà, chờ đợi lâu quá, sợ mất duyên con gái, nên phải lấy chồng ạ!”. Tôi thấy ông thoáng buồn…

Một lần khác, năm 2009, với tư cách phóng viên tạp chí Văn hóa Quân sự của Tổng cục Chính trị, tôi đến vừa lấy cớ thăm hỏi sức khỏe Thủ trưởng, vừa có phỏng vấn về quan điểm phòng, chống lụt bão. Chưa kịp hỏi câu gì, Ông đã hồ hởi: “Thiên tai bão lũ như cơn đại hồng thủy miền Trung, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng năm 2009 thật khủng khiếp ghê gớm, nhưng nghĩa Đảng - tình dân, rồi tình quân dân được bù đắp, quả là chăm lo, chắt chiu, gắn kết với sức mạnh không có gì sánh nổi…”. Tôi bộc bạch: Thưa, Thủ trưởng đánh giá gì về sức mạnh không có gì sánh nổi đó ạ?

Ông cười và nói: “Cậu bắc nhịp thật khéo. Mình nghĩ, đó là tinh thần trách nhiệm, ý chí thông minh và tài năng cao như Sơn Tinh chống Thủy Tinh; tình đoàn kết thương thân, tương ái, đùm bọc giúp nhau trước, trong và sau bão lũ. Quan trọng nhất là phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ của Quân đội (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ và hậu cần tại chỗ)… Điều tâm đắc nhất của mình là công tác chủ động, tích cực phòng ngừa, công tác thực hành, diễn tập trước, chứ không bị động đối phó…”.

Ghi lại hai trong số rất nhiều kỷ niệm kỷ niệm sâu sắc về Thủ trưởng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mà tôi có được, cũng là nén hương lòng thành kính dâng lên trong những ngày đất nước để tang Ông.

Đại tá Lê Anh Dũng