Bìa sách “Đất giấu”

Từng 6 năm sống trong nhà tù Phú Quốc, cựu tù binh Nguyễn Xuân Tường (tên trong tù là Nguyễn Nam) ở xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã nung nấu quyết tâm phản ánh cuộc chiến đấu của những người không may bị sa vào tay giặc ở nơi cũng được xem như “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Trong tù, ông Tường lo lắng nếu may mắn còn sống, được trở về, thì với di chứng bệnh tật nhà tù găm vào cơ thể, ông sẽ khó có thể nhớ hết những chi tiết về những con đường hầm để vượt ngục đặc biệt ở Trại giam Phú Quốc. Vì vậy, từ năm 1970 ông Tường đã phác thảo đề cương tác phẩm nói về tinh thần “Giấu đất” để vượt ngục của đồng đội. Đề cương chia nhiều chương đoạn được ông ghi trong trí não, nhưng sau những trận đau yếu do bị đòn roi của cai ngục, sức khỏe nhiều phen báo động nguy kịch, ông thấy không yên tâm, bèn quyết định tận dụng những khoảng thời gian không phải đi lao dịch thực hiện viết từ đầu chí cuối tác phẩm. Khó khăn lớn nhất là cai ngục lục soát, cấm đoán việc tù nhân lưu giữ các văn bản tài liệu liên quan đến văn học chính trị. May mắn là dịp trại giam đấu tranh buộc chỉ huy Trại phải đồng ý cho học các môn văn hóa tự nhiên nhưng không cấp giấy bút. Tù binh đi lao dịch đem về những mảnh giấy vụn, bìa cát tông, giấy bao xi măng; cắt mảnh tôn làm bút, lấy mực từ xác cá mực ươn để ghi chép các thông số toán học.

Một đêm thức dậy, ông Tường chợt nghĩ đến các bản nhạc số của người Trung Hoa và ông nghĩ ra một bộ chữ cũng chỉ gồm toàn các số từ số 0 đến số 9 có các dấu chấm trên - dưới - trái - phải đi kèm. Các nguyên âm được ông ấn định cùng một loạt chữ cái phụ âm đi kèm. Bạn ông là Hoàng Giang Bi (tên ngoài đời là Bí) ở thôn Đa Sĩ, thị xã Hà Đông (Hà Nội) hợp tác và trực tiếp đọc lại các bài ông viết thử. Thấy hiệu quả, ông phấn chấn viết chương đầu cuốn “Giấu đất”, điều ông âm thầm quyết tâm thực hiện suốt năm qua. Dưới dạng các bản nhạc số che mắt được giám thị, bạn ông đều đọc trôi chảy. Từ đó, ông Tường  nghĩ đến chuyện “đắp da đắp thịt” cho các nhân vật là các đồng đội hằng ngày dù đói khát bệnh tật, bị tra tấn… vẫn rất lạc quan cách mạng. Đối lập với những chiến sĩ cộng sản kiên trung là những viên cai ngục sặc máu sát cộng, luôn đắc ý coi tù binh cộng sản là những “con cá nằm trên thớt”. Những mảnh giấy xi măng chi chit số hóa, viết xong được ông kẹp vào giữa hai mép tôn vách của nhà ngủ tù nhân, hy vọng một ngày nào đó sẽ có dịp phiên dịch ra chữ Việt.

Năm 1973 sau khi Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh ký kết; được trao trả tù binh, ông Tường vẫn ngóng về những vách tôn Trại giam Phú Quốc. Năm 1975, nghe tin sau khi Phú Quốc được giải phóng, các vách tôn đều bị người dân đến tháo dỡ đem đi, vô tình “hóa kiếp” những trang bản thảo số của ông. Năm 1983, ổn định công việc và sức khỏe, đêm đêm ông hồi tưởng, khôi phục “Giấu đất”. Phác thảo lần đầu được ông gửi Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Nhà xuất bản hoan nghênh nhưng yêu cầu ông viết dài hơn. Hiện thực trại giam Phú Quốc ngồn ngộn cần được chi tiết thêm. Lại đúng vào thời điểm ông bị sốt xuất huyết suy sụp sức khỏe kéo dài, năm 1985 phải nghỉ chế độ mất sức. Cuộc sống đời thường với biết bao níu kéo, toan lo, làm ông “nguội’ dần nhiệt huyết hoàn thành “Giấu đất”.

Năm 1995 Nhà nước thực hiện chế độ đãi ngộ với người bị địch bắt tù đày. Ông Tường gặp lại một số đồng đội cùng bị giam cầm ở Phú Quốc, thành lập Ban liên lạc cựu tù binh Phú Quốc thời chống Mỹ tỉnh Bắc Ninh (nay là Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh Bắc Ninh); đồng thời ông xúc tiến viết bổ sung cuốn “Giấu đất”. Viết xong ông nhờ hàng xóm là Nguyễn Văn Thành - Phó trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện (nay là Phó chủ tịch UBND huyện Quế Võ) đọc và chép tay lại. Bản thảo hoàn chỉnh, được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đổi tên là “Đất giấu”, ấn hành vào tháng 5-1997.

Không có trại giam thứ hai trên thế giới chứa những con đường hầm như ở Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, cũng không có một tác phẩm nào được “số hóa” trong hoàn cảnh đặc biệt như “Đất giấu” của Nguyễn Xuân Tường

Mai Hoàng Anh