Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội sáng 7-8 nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN.

Trong phát biểu ngày 8-8 tại lễ kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN, do Ban Thư ký ASEAN tổ chức theo hình thức trực tuyến, Ngoại trưởng Indonesia - Retno Marsudi đã kêu gọi ASEAN phải luôn hợp tác để duy trì hòa bình và ổn định khu vực và không bị lôi kéo vào những căng thẳng địa chính trị. Tổ chức khu vực này cũng cần vượt qua “đoạn đường quanh co” để duy trì vị thế trung tâm của mình và biến cạnh tranh thành hợp tác, sự mất lòng tin thành lòng tin chiến lược.

Từ “hợp tác” trong ASEAN dù được nhắc đi nhắc lại nhiều lần nhưng vẫn là điều các quốc gia trong khối cần phải lưu tâm. Nếu thiếu sự hợp tác, đồng thuận, “bó đũa” ASEAN sẽ bị xé lẻ, làm suy yếu sức mạnh của khối.

Khi ASEAN được thành lập 53 năm trước với chỉ 5 thành viên, mục tiêu của ASEAN khác bây giờ hoàn toàn. Sau hơn nửa thế kỷ, một ASEAN bao gồm 10 thành viên đã biến Đông Nam Á từ một khu vực bất hòa thành một khu vực hòa thuận, từ đối đầu sang hợp tác, và từ nghèo đói sang phát triển năng động. Ngày nay, Cộng đồng ASEAN là một đại gia đình gồm 650 triệu người với GDP đạt hơn 3.000 tỷ USD.

Đó là dấu ấn lớn của ASEAN sau nhiều “đoạn đường quanh co”. Không thể phủ nhận ASEAN hiện nay đã lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng hơn nhiều, trở thành một trong những tổ chức có nhiều đối tác nhất thế giới trong một khu vực đang phát triển mạnh mẽ. Sức mạnh của ASEAN là đoàn kết và đoàn kết được thể hiện qua sự đồng thuận trong những vấn đề của khối. Thế nhưng, khi đồng thuận là sức mạnh thì nó cũng trở thành điểm để các thế lực ngoài ASEAN tấn công, lợi dụng vì mục đích của họ hoặc làm yếu ASEAN. Đồng thuận có nghĩa là nếu chỉ một nước trong ASEAN không nhất trí về một vấn đề nào đó, vấn đề đó sẽ chưa thể được giải quyết cho dù mọi vấn đề thường được ít nhất ba cấp trong ASEAN tham gia bàn thảo: nhóm làm việc, nhóm quan chức cấp cao, rồi đến cấp bộ trưởng hoặc cao hơn. Nhấn mạnh điều này để thấy rằng việc ASEAN duy trì được sự đồng thuận trong suốt hơn nửa thế kỷ không phải là điều dễ dàng nhưng cũng đã có lúc “bó đũa” ASEAN bị xé lẻ, không đạt được sự đồng thuận có thể vì chưa tìm được tiếng nói chung, chưa cùng chung lợi ích hay ủng hộ lập trường của nhau hoặc để nước ngoài lợi dụng. Ví dụ rõ ràng nhất là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) diễn ra tại Campuchia tháng 7-2012, các Bộ trưởng đã không thể ra được tuyên bố chung sau khi nước chủ nhà Campuchia không chấp nhận đưa vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Việt Nam, Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông vào tuyên bố chung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, các Bộ trưởng không ra được tuyên bố chung. Tiếp đó, tại AMM-49 ở Lào tháng 7-2016, các Bộ trưởng cũng không ra được tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, do Campuchia phủ quyết mọi điều liên quan đến việc Toà Trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc được đưa ra trong dự thảo.

“Bó đũa” ASEAN đã từng bị xé lẻ như thế. Đó chính là những “đoạn đường quanh co” và chuyện “căng thẳng địa chính trị”. Thế nhưng, không phải vì thế mà ASEAN cản được ASEAN vươn tới những mục tiêu chung mà cả khối đã thống nhất đề ra. Sự năng động mới trong bối cảnh địa chiến lược, các vấn đề khu vực và toàn cầu đang nổi lên đòi hỏi ASEAN phải gắn kết hơn và chủ động thích ứng. Bên cạnh đó, ASEAN cần tăng cường các nỗ lực nhằm củng cố cộng đồng; tích cực, chủ động và thúc đẩy hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác đối thoại, đồng thời cần đảm bảo cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên các quy tắc.

Đoàn kết, đồng thuận sẽ làm “bó đũa” ASEAN thêm vững mạnh, không thể bị bẻ gãy để bảo đảm lợi ích chung của cả khối. ASEAN vững mạnh và đoàn kết sẽ điều không thể thiếu đối với hòa bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Thanh Huyền