CCB Điểu Tân (bên trái) giới thiệu cách chăn nuôi bò của gia đình.

Ông Lưu Quang Lộc - Phó chủ tịch Hội CCB xã Phước Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước phấn khởi nói với tôi: “Hội CCB xã Phước Sơn chúng tôi có những điển hình CCB dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, rất tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Đặc biệt như gia đình CCB Điểu Tân tự làm đường bê-tông trị giá hàng trăm triệu đồng vào khu dân cư, giảm phần nào khó khăn cho ấp, xã. CCB Điểu Tân là tấm gương tiêu biểu học và làm theo lời Bác”.  

CCB Điểu Tân là người dân tộc S’tiêng, sinh năm 1953, ở ấp 6, xã Phước Sơn. Ông là chủ mô hình diện tích 7ha điều trồng xen cây nhíp, một loại cây lấy đọt và lá non chế biến thức ăn trong gia đình và các nhà hàng ăn uống. Ngoài ra, gia đình ông có 3ha cao su đã cho thu mủ và chăn nuôi 10 con bò, trong đó 3 con sắp đẻ. Cơ ngơi ấy giúp ông thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. Ông trồng rau nhíp xen với điều, vừa không để phí đất lại có tiền thu mỗi ngày. Cây nhíp chịu dưới tán điều, thích nghi bóng mát, phát triển tốt. Đến kỳ thu hoạch, mỗi ngày chỉ ngắt lá và đọt non cân bán cho thương lái đến tận nhà mua. Tính cả năm gia đình thu được mấy trăm cân đọt, lá nhíp non, bán ra hàng chục triệu đồng.

Làm kinh tế giỏi, CCB Điểu Tân rộng lòng nhân ái. Gia đình ông tự bỏ tiền làm con đường bê-tông dài gần 300m, rộng 3m, dày 15cm từ đường nhựa liên xã vào khu dân cư, bà con rất phấn khởi.

Người dân địa phương đánh giá cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường của CCB Điểu Tân. Chuồng bò nhà ông làm xa nhà và dành một khu riêng cho bò nghỉ. Chuồng được xây nền cao và có nơi chứa phân nhằm giữ vệ sinh môi trường cho cộng đồng dân cư.

Người dân tộc S’tiêng ở xã Phước Sơn có phong tục mổ thịt trâu, bò làm đám cưới. Nhiều gia đình cưới vợ cho con khó khăn quá, nhưng vẫn đi vay tiền hoặc bán điều non để mua bò thịt lo làm đám cưới... Thấy vậy, Điểu Tân cho họ mượn bò, đến khi thu hoạch vườn thì mua bò trả, hoặc trả bằng tiền theo giá bò hiện tại. Có nhà mượn bò cưới con, đến mùa, vườn điều thất thu, Điều Tân hẹn năm tới, hoặc đi làm chừng nào có tiền thì trả. Nhiều hộ khó khăn quá, ông bớt tiền lại. Điểu Tân cho 4 gia đình mượn bò thịt để làm đám cưới con, thì chỉ có 2 hộ trả bò, còn 2 hộ vẫn chưa trả, thời gian cho mượn bò đến nay đã 3 năm.

Cách làm ăn và tấm lòng của CCB Điểu Tân là tấm gương được chính quyền cũng như bà con địa phương ghi nhận và học tập.

Bài và ảnh: Duy Hiến