Anh Ngô Công Tình - người đã và đang viết sách về quan họ, bên tách cà phê thơm phức ở ngõ Hàng Cháo, rủ rỉ kể ra sáu "đặc sản". Mà đặc sản nhuốm màu huyền thoại nhất, là làng có đền "Vua Bà", thờ bà thủy tổ quan họ,  để mời chúng tôi về làng Diềm bằng được.

Anh nói: “Làng tôi là làng quan họ cổ nhất, là "anh cả", "chị cả" quan họ, không chỉ là “anh hai”, “chị hai”…”

*

Sao lại có người khéo mời đến thế? Từ chối một nơi như vậy, một người như vậy, có mà vô duyên! Thế là chúng tôi về Diềm (TP. Bắc Ninh).

Làng Diềm, tên chữ là Viêm Xá. Thời xửa xưa, ban đầu, gọi là Viêm Trang. Làng có hai con sông: Sông Nguyệt Đức và sông Cổ Ngựa, là hai chi lưu của sông Cầu.

Truyền thuyết kể rằng: "Vua Bà" chính là công chúa con Vua Hùng thứ sáu. Khi nàng đến tuổi cập kê, vua cha mở hội "gieo cầu", kén chồng cho con gái.

Vô duyên làm sao, người đáng bắt được cầu thì không, người mà công chúa không ưa thì lại bắt được! Nàng cầu xin và được vua cha cho hủy hôn lễ nhưng bắt nàng phải bỏ cung cấm, chấp nhận đời dân dã. Nàng cùng đám thị nữ lên thuyền ra đi. Đến Viêm Trang, thấy sông nước hiền hòa, phong cảnh tốt đẹp, bờ bãi màu mỡ, nàng ở lại khai phá đất đai, dạy dân làm ruộng, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa…

Và, kỳ diệu nhất, nàng đã sáng tác các bài hát và dạy cho mọi người cùng hát. Đó là những điệu hát, bài hát đầu tiên của dân ca quan họ bây giờ. Sau, cả vùng gọi nàng là “Vua Bà”. Chính vì vậy, "Vua Bà" chính là thủy tổ của quan họ.

Có phải thế chăng, mà đến tận bây giờ, liền anh với liền chị trong cùng một "chạ" cũng không được lấy nhau, cũng đều phải "vô duyên" cho giống phận "Vua Bà"?

Có phải thế chăng, mà mười câu quan họ, thì đến chín câu nói về cái sự mong nhớ, ước ao, hỏi han, hò hẹn, bâng quơ, sầu thảm?

Có phải thế chăng, mà vẻ đẹp xót xa của kẻ "hết duyên", đời này qua đời khác, cứ mãi chất chồng, cứ mãi như xát muối vào lòng người, vốn bị thương chưa khỏi, từ cái thời xa xưa ấy?

Có phải thế chăng, mà trên chiếu kia, bốn nữ nghệ nhân: Ngô Thị Khu, 90 tuổi; Nguyễn Thị Vũ, 85 tuổi; Ngô Thị Lịch, 82 tuổi; Nguyễn Thị Bàn, 79 tuổi; cùng với hai nam nghệ nhân: Ngô Văn Sự, 87 tuổi - thân sinh anh Ngô Công Tình; Nguyễn Văn Bật, 86 tuổi; đóng vai chủ - khách, để bày ra một phần của một "canh" quan họ làng Diềm:

- Chủ xuất rằng: Em mong người như cá mong mưa - Mong người như bữa cơm trưa đói lòng - Mong người những mấy tháng ròng - Hôm nay người đã có lòng sang chơi - Mong người hết đứng lại ngồi - Hôm nay mới được ngồi chơi một nhà.

- Khách đối rằng: Nhẽ ra thì em cũng ở nhà - Nhưng lòng bối rối như đà người mong - Đêm qua bên ngọn đèn chong - Mượn câu sách truyện giải lòng hồ nghi - Vì (năm, sáu người) nên em phải ra đi - Mong cho thấy mặt, dạ thì mới nguôi.

- Chủ: Kim Lan ơi! Còn không, hay đã có nơi cả rồi? - Cây kiêu (cao) có quả chín muồi - Trông thời mỏi mắt, chõi (chòi) thời mỏi tay - Càng trông càng đắm càng say - Càng trông càng đợi càng ngày càng xa!

Hát thế, người làng Diềm gọi là "Khoắn khứu" nhau. "Khoắn khứu" rồi, thì còn cùng hát mãi.

- Khách lại đối: Đường bạn Kim Lan đấy ơi! Nói năm nói bảy em ngồi em nghe. Em mấy người xin có lời rằng: Con dao be bé sắc thay - Chuôi sừng bít bạc về tay ai cầm - Lòng em yêu vụng nhớ thầm - Trách ông nguyệt lão se nhầm duyên ai - Duyên em còn thắm chưa phai - Hay là người đã nghe ai dỗ dành?

- Chủ: Gió mát giăng thanh - Bỗng đâu thấy khách bên tình sang chơi - Mai khách về thì em nhắn liễu Chương Đài - Ngành (nhành) xuân quyết bẻ cho người trên tay - Trót bằng say nhau về phận về người - Vì ai nhan sắc cho tày người ta - Nhác bằng em trông ra - Bóng ông giăng đã xế tà - Sao mai mới mọc, tiếng gà gáy canh - Suốt năm canh thì (thời) gió mát giăng thanh.

Chương Đài vốn là một xóm nhỏ trong thành Trường An ở bên Trung Hoa xưa. Rồi do chuyện của nó, mà “liễu Chương Đài” sau thành ra một điển tích, dùng để trỏ người đàn bà ở nhà khi chồng đi xa. Thơ Bà Huyện Thanh Quan có câu: Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ - Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn. Chương Đài trồng nhiều liễu. Bách Kiều, cũng ở Trường An. Người đời Hán tiễn bạn đến Bách Kiều thì bẻ một cành liễu tặng bạn làm roi ngựa. Nhân thế, người ta viết ra khúc hát "Chiết liễu" (Bẻ liễu), hát để tặng bạn đi xa. Thế thì, phải là các sĩ tử, nho sinh, trí thức, mới có thể đưa điển tích Trung Hoa cổ vào quan họ chứ? Đủ biết, quan họ đâu thiếu chất hàn lâm. Sau này, thơ Nguyễn Du (Kiều) có những câu còn nguyên hình hài ấy: Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung, Trông càng đắm, ngắm càng say - Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình…

Thế mà tự xửa xưa, quan họ đã hát: Càng trông càng đắm càng say - Càng trông càng đợi càng ngày càng xa. Cách dùng chữ “càng” trong quan họ, đáng gọi là “bậc thầy” của cả Nguyễn Du, về phương diện tu từ - điệp từ vậy. Chắc chắn Nguyễn Du không chỉ nghe hát phường vải. Những năm ở Bắc Hà, thi nhân chắc cũng rất am tường quan họ…

Những lời hát dường như vô tận; các điệu hát vô cùng phong phú với lời lẽ vô cùng nhún nhường, khiêm cung mà lộng lẫy. Tình đời vô cùng nồng nàn đắm đuối mà vẫn vô cùng nền nếp. Lòng dạ thì như sóng trào mà mỗi chữ nhả ra cùng với điệu bộ và nét mặt quan họ vô cùng lịch sự - hiền thục. Không bao giờ lời yêu lại phải “bắn” vào tai nhau đại loại nhan nhản bây giờ, như câu: “Em có bỏ chồng về ở với tôi không?”

Quan họ, các cung bậc tình cảm vịn vào những câu hát mà trùng trùng hiển hiện, vắt va vắt vẻo, lọc cũng chẳng trong hơn, khuấy cũng chẳng đục hơn được nữa.

Chả thế mà, ngay cả bức cửa võng ở đình Diềm cũng khác với thiên hạ. Nó kéo dài từ tận thượng lương xuống đến sàn đình, chia làm bốn tầng, tính từ trên xuống: Tầng một chạm trổ cảnh tiên cưỡi rồng và chim cắp đèn lồng. Tầng hai là rồng và thiếu nữ xem hoa. Tầng ba và tầng bốn là rồng, mây, sen, trúc, thú, người.

Ngôi đình bên núi Quả Cảm này được coi là ngôi đình rất cổ và làng Diềm được coi là làng Việt rất cổ ở Bắc Bộ, gắn với nhiều huyền tích thời Hùng Vương.

Chả thế mà ban đầu đình vốn thờ Trương Hống, Trương Hát, lại phối thờ cả "Vua Bà". Sau mới xây đền "Vua Bà" riêng.

Còn đền Cùng, vốn để thờ Ngọc Dung, Ngọc Hoa - hai công chúa có công chặn giặc phương Bắc - lại có cái giếng đá ong hình vuông, qua không biết bao thế kỷ, nước vẫn trong và hôm chúng tôi đến, đôi cá vàng nghìn tuổi vẫn nổi lên cho chúng tôi thưởng lãm, trước khi lặn xuống nguồn sâu không mắt nào thấy được.

Chả thế mà, ngay cả giọng nói bây giờ của người làng Diềm, tương truyền, cũng là giọng người Lạc Việt xưa.

Đến Diềm Xá một lần, khách về như là mang cả một thế giới cổ xưa về theo. Hạnh phúc thay cho dân làng Diềm, khi họ được sống mãi trong cái thế giới ấy! Vui thay cho ai rời làng Diềm, mà trong lòng vẫn có một phần của cái thế giới ấy!

Nhưng hình như, không, quả thật thì mới đúng, đời sống hiện đại đang đẩy cái thế giới ấy ra xa mình, bằng một lối sống và những lời lẽ sàm sỡ, đối nghịch với quan họ.

Có cách nào dung hòa cái thế giới cổ xưa kia vào đời sống hiện đại được không, để cái thế giới ấy không chỉ là “bảo tàng”, nó còn được tham dự bình đẳng vào đời sống văn hóa đương đại?

Đỗ Trung Lai