Nằm nép mình bên dòng sông Đáy hiền hòa và thơ mộng, làng Phùng Xá (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) không chỉ nức tiếng với nghề dệt lụa truyền thống, mà còn in đậm trong tâm thức người Việt bởi vẻ đẹp quyến rũ và mềm mại của những chiếc khăn tơ óng ả. Tuy mộc mạc, bình dị, nhưng khăn tơ lụa lại mang vẻ đẹp thanh cao và tinh khiết đến lạ. Có lẽ vì, ẩn giấu phía sau đó là cả một nghệ thuật chế tác.

Đặt lại tên cho nghề dệt Phùng Xá

Bà Phan Thị Thuận sinh ra trong một gia đình có truyền thống ba đời gắn bó với nghề dâu tằm, dệt lụa. Có lẽ vì thế, mà ngay từ nhỏ bà đã có tình yêu với nghề dệt, trở thành nỗi trăn trở luôn thường trực nơi đáy lòng của người phụ nữ ấy. Lên 6 tuổi, bà đã ý tức được những cái hay, cái đẹp của nghề dệt lụa, gắn bó với từng cái lá, sợi tơ, nắm vững các công đoạn từ lúc chăm tằm lấy tơ cho đến khi dệt thành tấm lụa vàng óng ánh, mềm mại.

Chính vì thế, khi thấy các hộ gia đình lần lượt bỏ nghề, những nương dâu bị phá hủy để trồng cây lương thực, bà cảm thấy chạnh lòng vô cùng, giống như ai đó đang thiêu trụi chính tâm hồn của bà. Không chỉ vậy, khi người làng dỡ khung cửi vứt ra đường, bà xót xa chở hết về nhà, cái nào dùng được sẽ lắp lên, số còn lại cất đi chờ đến ngày nghề thịnh trở lại.

Ròng rã ngày nào bà cũng đạp xe hơn 20 km đi lấy lá dâu về nuôi tằm, rồi tổ chức, vận động một số hộ gia đình tiếp tục nuôi tằm và ươm tơ. Chính quyền thấy việc nuôi tằm ươm tơ đem lại hiệu quả, nên tạo điều kiện để người dân trồng dâu. Từ đây, nghề truyền thống bắt đầu được hồi sinh trên quê hương Phùng Xá.

Bắt đầu từ những bước đi đầu tiên, bà kêu gọi chị em trong làng cùng tìm ra những phương án tốt nhất, đáp ứng được thị trường mới. Mở rộng quy mô và lan rộng sang các khu vực lân cận, rồi cũng mạnh dạn tham gia các hội chợ lớn, nhỏ để nhiều người biết đến nghề dệt quê mình. Lụa Phùng Xá phát triển dần lên. Các xưởng gia công đã tràn ngập tiếng thoi, nong kén chật lối. Khăn lụa hồng đào, khăn hoa hiên, áo lụa màu xác pháo, áo màu tím hồng… ngày càng đẹp và đa dạng kiểu loại. Người mua từ khắp nơi tìm về làng để mua các sản phẩm do chính những nghệ nhân trong làng làm ra.

Năm 2010, Nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nghĩ ra phương pháp độc nhất trong nghề tơ tằm, đó là: Dệt tơ tự thân, tức là biến tằm thành “thợ” dệt. Để phương pháp có hiệu quả, bà phải mất rất nhiều thời gian và công sức theo dõi cách tằm nhả tơ, cách ngoáy đầu, rút ruột... Thành quả là những tấm chăn do tằm tự dệt rất nhẹ, xốp nhưng lại rất bền, chất lượng tuyệt đối và luôn có giá trị kinh tế cao hơn các sản phẩm làm từ máy.

Bà Thuận chia sẻ: "Với đặc tính của tơ tằm là mềm mại, tản nhiệt nhanh nên rất ấm. Trên thị trường, chưa có ai làm được sản phẩm này nên chăn tơ tằm của chúng tôi đang gây “sốt” - sản phẩm làm ra tới đâu, tiêu thụ hết tới đó. Giá thành của mỗi chiếc chăn tơ phụ thuộc vào lượng tơ nhiều hay ít. Thông thường, nếu một chiếc chăn nặng 2kg có giá khoảng 10 triệu đồng…".

Phùng Xá từ ấy trở lại với bóng dáng truyền thống năm nào, nhưng đã mang một tên tuổi mới, một tầm cao mới, với những con người tận tâm, luôn trăn trở với khát khao đưa nghề dệt phát triển và mãi trường tồn.

Đưa nghề dệt vươn tầm thế giới

Người ta thường nói, cái nghề là cái phận trời cho. Đúng như một cơ duyên đưa bà Thuận đến với lụa tơ sen, một loại lụa mà chỉ nghe tên thôi, người ta cũng chẳng dám nghĩ sẽ sản xuất được tại Việt Nam. Ngay cả gia đình bà Thuận cũng không tin bà có thể làm lụa tơ sen thành công, nhất là khi không được ai truyền dạy kỹ thuật. Bởi nó quá khó, cần nhiều thời gian nghiên cứu, và dường như vượt xa giới hạn con người. Nhưng với tình yêu nghề và đặt niềm tin vào bản thân, một lần nữa, người phụ nữ nhỏ bé ấy đã làm nên kỳ tích.

Khi có dự án dệt tơ sen do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh đưa về, biết tới Myanma, Philipines dệt được tơ sen, bà Thuận không ngừng suy nghĩ, bà đóng cửa ở trong nhà một mình nghiên cứu hàng tháng trời, nhiều đêm mất ngủ để tìm cho ra cách làm. Mọi thứ đều được tính toán kỹ lưỡng vì kinh phí không có nhiều, từ việc tính xem bao nhiêu cuống sen để se thành sợi, sợi giăng mắc thế nào để dệt nên khăn?

Làm lụa từ sen cầu kỳ, tỉ mỉ và phức tạp vô cùng. Năm 2017 bà xin trồng sen khắp các ao làng, để đến mùa chọn cuống đúng độ bánh tẻ, vì thời điểm này cuống sen cho tơ nhiều nhất, lượng tơ cũng dẻo và đẹp hơn. Để lấy được tơ sen, bà Thuận dùng dao khứa xung quanh cuống sen, và đặc biệt, phải hết sức nhẹ nhàng và cẩn thận, bởi nếu cắt quá sâu, tơ sen sẽ bị đứt. Rồi sau đó dùng tay làm tất cả, tay rút tơ, tay se sợi, tay mắc cửi,…

Chỉ có những đôi bàn tay khéo léo của con người mới làm nổi vì chưa có máy nào rút sợi tơ mềm như khói kia, rồi trải xuống mặt bàn ướt, miết vặn chúng lại thành một thứ tơ sợi dài, bó nọ nối bó kia.

Để làm ra một chiếc khăn quàng cổ dài khoảng 1,7 m, thì phải cần tới 4.800 cuống sen. Sản phẩm ra đời thơm mùi sen, mùi nắng, mùi đất và thấm đẫm tình yêu, sức lực, tấm lòng của người dệt.

Sản phẩm lụa từ tơ sen bền, mát và có thể làm thành nhiều sản phẩm khác nhau, trong đó, được ưa chuộng nhất là khăn quàng cổ. Là người đầu tiên làm chăn tơ tằm, điều tưởng như không thể kia đã thành sự thật, nghệ nhân Phan Thị Thuận trở thành người đầu tiên thành công với lụa tơ sen tại Việt Nam.

Bằng sự nhạy bén, tình yêu nghề sâu sắc và bàn tay khéo léo của bà Thuận, vải tơ sen Việt Nam đã được cả thế giới biết đến. Vậy mới thấy, không có gì là không thể, chỉ cần đủ quyết tâm, đủ bền bỉ và kiên trì đến cùng, thì chắc chắn sẽ có thành tích xuất hiện.

Hoàng Thanh – Minh Hương