Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiểm tra công tác phòng chống dịch trong các doanh nghiệp tại Thái Nguyên. -

Một ngày giữa tháng 3-2020, khoảng 9 giờ sáng, khu vực nhà chờ Bến xe khách liên tỉnh T.P Cao Bằng chỉ có 2-3 hành khách, còn trong khu xuất phát chỉ có hơn chục khách đang đợi xe.

Anh Vũ Xuân Trường - tài xế nhà xe Công Đoàn tâm sự: Nhà xe có 5 xe loại 29 chỗ chạy tuyến Cao Bằng - Thái Nguyên. Từ đầu tháng đến nay, hôm nào đông nhất cũng chỉ có khoảng 15 khách, còn chỉ có 5 - 7 khách. Nhiều hôm khách vắng quá, xe không dám xuất bến vì không đủ chi phí xăng dầu.

Nhưng dù sao lúc ấy, thỉnh thoảng vẫn còn xe chạy. Nay thì hết hẳn.

Giám đốc Bến xe Đỗ Minh Đức cho biết: Thời điểm trước khi có dịch bệnh Covid-19, mỗi ngày chúng tôi có khoảng 160 xe xuất bến. Từ tháng 3, số đầu xe xuất bến giảm gần 40%, số lượng hành khách giảm khoảng 60% rồi xuống 80%. Cho đến khi có Chỉ thị 16 của Thủ tướng thì bến xe đóng cửa luôn.

Đây chỉ là một trong hàng trăm nghìn doanh nghiệp (DN) trong cả nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trong bối cảnh đó, Bộ LĐTBXH  kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp để ổn định sản xuất và hỗ trợ người lao động. Trong đó, tạm dừng đóng BHXH với những DN có trên 50% người lao động bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và DN bị  50%  thiệt hại do ảnh hưởng của dịch; giải quyết phần hỗ trợ trở lại cho DN để đào tạo nghề, chuyển đổi công việc và đây là giải pháp để giữ chân người lao động; tạm ngừng việc đóng kinh phí công đoàn đối với DN mà có 50% người lao động gặp khó khăn do tác động của Covid-19, trước mắt tạm ngừng đến tháng 6, sau đó sẽ xem xét cho tới tháng 12-2020.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, trong những giải pháp này, Nhà nước có thể hỗ trợ từ 1,5 - 3 triệu người lao động và từ 100.000 - 200.000 DN; số tiền tương ứng từ 25.000 - 49.000 tỷ đồng từ tháng 3 đến 12-2020. “Riêng hỗ trợ tạm dừng đóng Quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tương đương với 150.000 tỷ đồng, sẽ tạo sự ổn định lớn cho xã hội" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là cực kỳ đúng lúc và hữu ích để các DN cầm cự rồi lấy lại đà SXKD, đảm bảo để tạo việc làm, thu nhập và an sinh cho người lao động. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, các chính sách phải rõ ràng, minh bạch và không để một số DN trục lợi. “Không phải hỗ trợ một cách ồ ạt. Có thể sẽ có DN lợi dụng chính sách để được Chính phủ hỗ trợ trong lúc này” - ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lưu ý. Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (T.P Hồ Chí Minh) cho rằng, phải giải bài toán hỗ trợ một cách khoa học, hợp lý. “Ngân sách hạn chế nên trợ giúp DN thì phải liệu cơm gắp mắm”.

Nhìn chung, những giải pháp của Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng mới chỉ giải quyết được một phần những khó khăn của các DN, quan trọng nhất vẫn là các DN phải chủ động có những giải pháp lâu dài, phải thay đổi chiến lược để “tự cứu mình”.

Phạm Bình