Bà Trần Thị Quy, nguyên giáo viên Trường Chu Văn An, Hà Nội, cho rằng thời bao cấp có hai thứ “đặc sản” chủ yếu là tem phiếu và xếp hàng.

Tem phiếu thì rõ rồi. Còn xếp hàng mua lương thực, thực phẩm tại các cửa hàng mậu dịch, giờ nghĩ đến vẫn còn rùng mình.

Nhà bà ở phố Lê Trực, được mua hàng tại cửa hàng trên phố Sơn Tây. Mỗi khi mua, bà phải dậy từ mờ sáng để đến xếp hàng. Cửa hàng phục vụ cho hàng trăm hộ dân, vậy nên lúc nào cũng đầy người xếp hàng nối đuôi nhau dài dằng dặc như chơi trò rồng rắn. Những khi nhà lỡ hết gạo hoặc có công việc, giỗ chạp, muốn mua được sớm phải đến đứng từ 3-4 giờ sáng, thậm chí nửa đêm. Gặp hôm nhiều người cùng "tư tưởng lớn", khi trời còn tối thui đã đến, đứng, ngồi vật vờ trước cửa hàng.

Một số người rỗi rãi (thường là người làm ăn tự do) thì hành nghề “xếp nốt”. Bà Quy giải thích: Thực ra không phải “xếp nốt”, mà là “xếp lượt”, “xếp lốt”; nói ngọng kiểu “hà lội” thành “xếp nốt”. Tức là, xếp hàng bằng cách dùng gạch xếp "lốt", xí chỗ rồi bán lại cho người cần mua hàng. Người có nhu cầu hoặc có tiền, trả vài hào để được mua sớm hơn... Đứng xếp hàng lâu nhưng chắc gì đã mua được. Chờ mãi mới đến lượt mình, nhiều khi nhân viên mậu dịch dõng dạc tuyên bố hết hàng rồi đóng sập cửa xuống. Những người chưa mua được đành lủi thủi quay ra về trong sự mệt mỏi rã rời. Ngày mai, họ lại ra xếp hàng...

Hoài Niệm