Gần nửa thế kỷ đã qua, nhưng ký ức về trận đánh đầu mùa khô 1970-1971 của Tiểu đoàn 28 cao xạ - Binh trạm 44 ở km40 đường B46 vẫn để lại trong tôi đầy nuối tiếc. Ngày ấy, giữa tôi và Tuấn - trợ lý cao xạ đã cự cãi nhau về trận đánh mà tôi cho là không thành công, còn Tuấn lại cho là trận đánh đẹp.

Tôi từ chiến trường Quảng Nam trở lại Binh trạm 44 Trường Sơn và được về Ban Tác chiến của Binh trạm, được cùng chiến đấu với những sĩ quan dạn dày kinh nghiệm trận mạc. Binh trạm trưởng là Thiếu tá Vũ Xuân Phương, quê Phú Thọ. Binh trạm phó là Đại úy Tăng Văn Hoan, quê Bắc Kạn.

Tháng 11 hằng năm, Tây Trường Sơn đã dứt hẳn những trận mưa xối xả. Các lực lượng trên tuyến đều được huy động để khắc phục đường sá sạt lở, gia cố cầu, ngầm... chuẩn bị đón xe chuyển hàng, chuyển quân vào. Cũng từ đó, địch tăng cường thăm dò, đánh phá các họat động của ta trên tuyến.

Theo lệnh của Chỉ huy Binh trạm, Cơ quan Tham mưu tác chiến thông qua kế hoạch mùa khô 1970-1971 và triển khai ngay trên thực địa, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Tiểu đoàn 28 cao xạ, với 3 đại đội pháo 37ly được tăng cường thêm 1 đại đội súng máy cao xạ 23 ly 4 nòng, tổ chức đánh một trận tiêu diệt, để khếch trương thanh thế.

Sau nhiều ngày trinh sát thực địa, Tiểu đoàn 28 chọn khu vực km40 đường B46 để tổ chức trận đánh. Đường B46 từ Chà Vằn chạy vào tới km40 là một khu vực tương đối bằng phẳng, với những đồi thông thưa thớt, tiện cho việc bố trí trận địa đánh đội hình tiểu đoàn ở hai bên đường.

Tôi theo chân Binh trạm phó Tăng Văn Hoan đi kiểm tra thực địa. Công việc của chúng tôi khá thuận lợi, vì trong tay có sẵn tấm bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 thu được trong một trận phục bắt biệt kích vừa xâm nhập vào khu vực này. Anh Hoan giao nhiệm vụ chốt giữ những nơi hiểm yếu, bố trí mạng lưới quan sát, các trận địa súng máy 12ly7 đề phòng địch đổ bộ đường không; tổ chức cho Đại đội pháo 85 ly bắn thử vào các mục tiêu bảo vệ, đạt kết quả tốt.

Ở khu vực km40, Tham mưu phó Đoàn Lưu cùng Đại úy Doãn Cát - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28 xem xét, bố trí trận địa bắn, bảo đảm: Hỏa  khí phân tán, hỏa lực tập trung. Chọn phương án dụ địch tới để đánh. Các đại đội pháo 37ly, 23 ly lấy bãi trống km40 đường B46 chạy qua là mục tiêu cần bảo vệ để thiết bị trận địa bắn...

Làm việc với Tiểu đoàn 28 ở km40, Binh trạm phó Tăng Văn Hoan đồng ý với phương án tác chiến của Tiểu đoàn. Phương án có một chi tiết rất mạo hiểm là dùng xe hoạt động ở bãi trống để nhử địch vào cho cao xạ đánh. Cụ thể là: Khi thấy máy bay trinh sát OV-10 vào khu vực thì xe ta theo đường B46 từ bìa rừng đi ra. Khi OV-10 lượn vòng, thì lái xe để xe ở bãi trống, chạy vào hầm gần đó để ẩn nấp. Nhiệm vụ của cụm pháo là tập trung hỏa lực hạ OV-10, sau đó đánh lũ F-4 đến cắt bom.

Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn đối với Tiểu đoàn 28. Tiểu đoàn đã có nhiều năm đánh máy bay địch trên địa bàn Khu 4 và cũng đã bảo vệ đường B46 ngay từ ngày đầu thành lập Binh trạm 44; đã đánh nhiều trận, bảo vệ đội hình xe ban đêm; có trận chỉ với một điểm xạ đã hạ OV-10 rơi tại chỗ. Nhưng tổ chức đánh tập trung đội hình tiểu đoàn, mà lại nhử địch đến để đánh là lần đầu. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tham mưu phó tác chiến binh trạm - Đoàn Lưu và các trợ lý tác chiến dạn dày kinh nghiệm, Tiểu đoàn quyết tâm ngày đêm luyện tập để đánh thắng.

Sang tháng 12-1970, xe hàng đã nhập tuyến. Cũng là thời điểm địch tăng cường trinh sát, đánh phá ngăn chặn. Tuyến B46 chi viện trực tiếp cho chiến trường Khu 5, Bắc Tây Nguyên, rất gần các căn cứ của địch, nên chỉ cần ít phút sau khi máy bay trinh sát chỉ điểm, là cường kích có thể oanh kích, hoặc giải cứu đồng bọn... Vì vậy, để hỗ trợ cho trận đánh này, cần có các đơn vị công binh, bộ binh, pháo mặt đất...

Khoảng 2 giờ chiều ngày 28-12-1970, Đài quan sát báo về có OV-10 trinh sát dọc tuyến. Tiểu đoàn 28 vào cấp chiến đấu, sẵn sàng nhả đạn. Như thường lệ, OV-10 bay chầm chậm soi mói dọc tuyến. Chiếc ô tô làm “mồi nhử” từ bìa rừng, nguy trang sơ sài tiến ra bãi trống. Chiếc OV-10 bất ngờ tăng độ cao, lượn vòng ra xa. Chứng tỏ nó đã phát hiện được “mục tiêu”, đang gọi đồng bọn đến tiêu diệt. Lập tức, các nòng pháo được lệnh bám sát OV-10. Lái xe được lệnh rời xe, vào vị trí ẩn nấp. Chiếc OV-10 bay vòng lại, và bất ngờ từ hướng mặt trời, nó chúi mũi, bổ nhào. Chỉ chờ có thế, các họng súng của Tiểu đoàn 28 đồng loạt nhả đạn. Chiếc OV-10 lật sấp. lật sấp, lật sấp… rơi tự do. Nhưng khi cách mặt đất chừng 200m, nó lập tức cải bằng và nhanh chóng thoát khỏi vòng lửa đạn đang vây bủa. Ngay sau đó, nó vòng lại, từ xa phóng đạn cối chỉ điểm xuống khu vực trận địa của Tiểu đoàn. Lấp tức, lũ F-4 ào tới cắt bom. Các nòng pháo vẫn bám sát mục tiêu nhả đạn. Bầu trời bừng sáng lửa đạn cao xạ. Từ khi vào tuyến, chưa bao giờ tôi được chứng kiến một trận đánh máy bay địch quy mô như thế.

Tình huống huy động lực lượng để bắt sống giặc lái và đánh quân đổ bộ giải cứu phi công đã không xảy ra. Chứng kiến chiếc OV-10 lật sấp, lật sấp, lật sấp…, rồi bất ngờ cải bằng, thoát ly khỏi vòng hỏa lực ta, Binh trạm phó Hoan hài ước: “Một huề! Mình dùng xe lừa nó, nó lại giả chết lừa mình!”.

Chúng tôi ở đài quan sát cao điểm 712 cùng Binh trạm phó theo dõi cụ thể diễn biến trận đánh. Khi trận địa yên tĩnh trở lại, chiếc xe làm mồi nhử rời bãi trống về nơi trú đậu. Đêm ấy, chúng tôi theo đường giao liên về Sở chỉ huy cơ bản của Binh trạm để rút kinh nghiệm trận đánh, mang theo đầy tiếc nuối. Mấy anh em đều chung một ý nghĩ: Giá như Tiểu đoàn bắn rơi, bắn cháy được một hay hai máy bay thì hay biết mấy! Ta bắn tới cả nghìn viên đạn chứ có ít đâu!

Nguyễn Kim Chúc