Nông dân HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) thu hoạch cà chua.

Ngày 11-4-2019, chúng ta kỷ niệm 73 năm Ngày Bác Hồ viết thư kêu gọi điền chủ nông gia tham gia hợp tác xã (11-4-1946 - 11-4-2016) và 8 năm Ngày Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 11-4 hằng năm là Ngày hợp tác xã (HTX) Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ phát triển, phong trào HTX ở Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình đổi mới từ cuối những năm 80 trở lại đây, phong trào HTX đã từng bước thoát ra khỏi cơ chế quản lý cũ, hình thành mô hình HTX kiểu mới, khẳng định được vị trí của mình. Theo Liên minh HTX Việt Nam, đến nay, cả nước có 22.456 HTX, trong đó, có 13.712 HTX nông nghiệp, tỷ lệ hoạt động có hiệu quả gần 50%; 7.563 HTX phi nông nghiệp, tỷ lệ HTX hoạt động có hiệu quả hơn 60%; 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân, phần lớn hoạt động có hiệu quả; có 74 liên hiệp HTX, tỷ lệ hoạt động có hiệu quả gần 50%. Với tổng số 6.950.000 thành viên và số lao động thường xuyên 2.480.000 người, tổng giá trị tài sản là 87.000 tỷ đồng, lợi nhuận 264 triệu đồng/năm, hiện các HTX đang trở thành loại hình tổ chức sản xuất phổ biến, nhất là vùng khó khăn như Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên. Các HTX chủ yếu cung ứng dịch vụ đầu vào cho thành viên, khoảng 30% HTX nông nghiệp và hầu hết HTX phi nông nghiệp cung ứng cả dịch vụ đầu vào và đầu ra cho thành viên. Hầu hết các HTX bảo toàn vốn và tăng doanh thu.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các địa phương trong cả nước xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình HTX giúp cho các hộ nông dân liên kết với nhau, chuyển đổi từ hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, manh mún để phát triển lên thành sản xuất hàng hóa tập trung  quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình HTX tiêu biểu trong một số lĩnh vực như: Nông nghiệp; thương mại - dịch vụ; giao thông vận tải; công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; vệ sinh môi trường; tín dụng… đã và đang cho thấy tính hiệu quả của mình. Tại tỉnh Thái Bình, mô hình HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Đông Phương (Đông Hưng) hiện có 2.280/2.600 hộ tham gia, sau khi chuyển sang mô hình mới, số lãi đạt 60 triệu đồng/năm, tăng hơn trước từ 20-30 triệu đồng/năm. Hay như HTX Anh Đào ở T.P Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với ước mơ trồng rau sạch, rau an toàn, đến nay vốn điều lệ đã trên 90 tỷ đồng, tổng doanh thu hơn 220 tỷ đồng/năm, sản lượng khoảng 50.000 tấn rau củ/năm. Trên địa bàn T.P Hồ Chí Minh hiện có 41 HTX nông nghiệp (NN) tập trung tại 5 huyện ngoại thành, đã và đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn… Mục tiêu đề ra trong 3 năm (2018-2020), cả nước xây dựng 250-300 mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Năm 2018, cả nước có 103.435 tổ hợp tác đăng ký hoạt động, tăng 7.840 tổ so với năm trước. Đáng lưu ý, năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động, thu nhập của phần lớn HTX tăng so với năm trước, chi phí cung ứng các dịch vụ đầu vào của các HTXNN và phi nông nghiệp đều thấp hơn 5-10% so với hộ kinh doanh; nhiều HTXNN và phi nông nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ, thành viên có lãi 5-30%; HTX hoạt động hiệu quả. Phần lớn các quỹ tín dụng nhân dân bảo đảm an toàn hoạt động, tỷ lệ nợ xấu thấp…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động HTX, tổ hợp tác còn một số hạn chế như nhiều HTX, nhất là HTXNN thành lập thời kỳ bao cấp, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 có cơ sở vật chất yếu kém, ít dịch vụ; tái cơ cấu HTXNN diễn ra chậm và gặp nhiều khó khăn. Mục tiêu 15.000 HTXNN hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 khó đạt do hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư của HTX có nhiều bất cập (thiếu lao động trẻ có trình độ quản trị, đất đai...); việc thành lập mới HTX, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp có biểu hiện chạy theo số lượng... Nhận thức, trình độ và năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh của phần lớn thành viên HTX chưa đáp ứng yêu cầu; một bộ phận thành viên còn tư duy sản xuất nhỏ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước; các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề còn bất cập…

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, để phong trào HTX phát triển lành mạnh, hiệu quả, rất cần ở cả tầm vĩ mô lẫn các địa phương, cơ sở là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX; khuyến khích cán bộ trẻ có trình độ về làm việc trong HTX, thực hiện tốt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm, xây dựng nông thôn mới”... để phong trào xây dựng HTX ngày càng thực chất, hiệu quả.

Quốc Huy