Thực hiện điều tra tại hộ dân ngay sau lễ ra quân (ảnh: Lưu Hiệp)

Sáng 1-4, tại Nhà văn hóa quận Tây Hồ (Hà Nội), Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức Lễ ra quân Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 (viết gọn là Điều tra DSGK 2024)

Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, cuộc điều tra được thực hiện nhằm mục đích chính thu thập thông tin về dân số và nhà ở làm cơ sở để đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) thời kỳ 2021 - 2025; xây dựng chính sách, lập kế hoạch dân số và nhà ở phục vụ lập Kế hoạch phát triển KTXH thời kỳ 2026 - 2030; giám sát thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết; và phục vụ cho công tác thống kê về dân số trên phạm vi cả nước và từng địa phương.    

Theo đó, đối tượng điều tra gồm: Hộ dân cư (bao gồm cả thông tin về nhà ở của hộ); Nhân khẩu thực tế thường trú của hộ dân cư (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang, người có quốc tịch nước ngoài hiện đang ăn, ở tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an.

Điều tra DSGK 2024 được thực hiện trên phạm vi cả nước tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (tỉnh, thành phố), ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (huyện), ngoại trừ 4 huyện đảo nhỏ (Bạch Long Vỹ- TP Hải Phòng; Cồn Cỏ- tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa, TP Đà Nẵng; Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa)

Thời điểm điều tra là 0 giờ ngày 01/4/2024.Thời gian thu thập thông tin điều tra từ ngày 01/4 đến ngày 30/4/ 2024. Kết quả điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào tháng 11-12/2024. Các báo cáo phân tích chuyên đề sẽ được công bố vào năm 2025.

Ra quân Điều tra DSGK 2024 (ảnh: Thanh Thanh)

Điều tra DSGK 2024 thu thập thông tin về các nội dung chính sau: Thông tin về nhân khẩu học của các thành viên hộ; Thông tin về di cư; Thông tin về giáo dục; Thông tin về hôn nhân; Thông tin về lịch sử sinh của nữ từ 10 - 49 tuổi;  Thông tin về người chết của hộ; Thông tin về nhà ở và điều kiện sống của hộ.

Điều tra DSGK 2024 là cuộc điều tra chọn mẫu, áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên đến từng hộ để hỏi người cung cấp thông tin và ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử được thiết kế trên thiết bị di động (CAPI).

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, điều tra DSGK 2024 là cuộc điều tra có quy mô lớn, phức tạp nên TCTK áp dụng tối đa công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác điều tra.

Quang cảnh buổi lễ (ảnh Thanh Thanh)

Là địa bàn được chọn tổ chức Lễ ra quân Điều tra DSGK 2024, ông Nguyễn Đình Khuyến, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, Tây Hồ là một trong trong những quận nội thành với 9.037 hộ được lập bảng kê tại 63 địa bàn điều tra, 1.890 hộ điều tra, trong đó có nhiều hộ kinh doanh buôn bán, các khu căn hộ cao cấp, hộ người nước ngoài sinh sống nên có những khó khăn nhất định trong việc tiếp cận và khai thác thông tin.

“Quận đã trưng tập gần 60 người tham gia cuộc điều tra bao gồm: lực lượng giám sát viên, điều tra viên, người dẫn đường tại các địa bàn tổ dân phố, cán bộ Văn phòng- Thống kê của các phường. Đặc biệt, lực lượng điều tra viên tham gia điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ lần này chủ yếu là lực lượng sinh viên đại học được tuyển chọn là lực lượng trẻ, có trình độ, kỹ năng tốt, sử dụng thành thạo phần mềm máy tính bảng và điện thoại thông minh, có kinh nghiệm thực hiện các cuộc điều tra bằng Capi cũng như cách tiếp cận hộ tại địa bàn…”- đại diện quận Tây Hồ cho hay.

Đây   là cuộc điều tra cần thiết để thu thập dữ liệu và bằng chứng về tiến độ phát   triển KTXH của Việt Nam      

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Matt   Jackson, Trưởng đại diện quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam  (UNFPA Vietnam) đánh giá, việc phát triển   cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia của Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể. Ví dụ   có CSDL quốc gia về dân số do Bộ Công an quản lý và hệ thống đăng ký hộ tịch   và thống kê hộ tịch do Bộ Tư pháp quản lý.  
“Tuy nhiên những CSDL này vẫn   đang trong giai đoạn thử nghiệm và cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để cải   thiện cơ sở hạ tầng CSDL. Đó là lý do tại sao cuộc Điều tra DSGK 2024 này là   một trong các cuộc điều tra cần thiết để thu thập dữ liệu và bằng chứng về tiến   độ phát triển KTXH của Việt Nam” - Trưởng đại diện UNFPA Vietnam phát biểu.  
Cũng theo đại diện UNFPA Vietnam,   Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng    KTXH nhanh chóng. Kế hoạch phát triển KTXH 2021- 2025 và các kế   hoạch ngành tương ứng cũng như Kế hoạch hành động quốc gia nhằm đạt được các   mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030 phụ thuộc vào số liệu thống   kê chất lượng và đáng tin cậy để xây dựng, thực hiện, giám sát và đánh giá tiến   độ nhằm thực hiện các mục tiêu KTXH và SDG.  
      “Dữ liệu   từ cuộc khảo sát sẽ được sử dụng để cập nhật các chỉ số SDG quốc gia và so   sánh với kết quả của các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở trước đây cũng   như để xác minh một số chỉ số dự báo dân số quốc gia đến năm 2029…”- ông Matt   Jackson chia sẻ thêm.  
Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi hy   vọng rằng khi cuộc Điều tra DSGK 2024 hoàn thành, TCTK sẽ rút ra kinh nghiệm   và bài học trong quá trình chuẩn bị, xác định các cơ hội chiến lược để tối đa   hóa việc sử dụng dữ liệu và xác định ứng dụng CNTT để tăng tốc hơn nữa quá   trình tạo dữ liệu, giảm thiểu lỗi của con người và tiết kiệm chi phí. Những   phản ảnh như vậy sẽ có giá trị cho việc thực hiện tổng điều tra dân số và nhà   ở tiếp theo vào năm 2029”- ông Matt Jackson nhấn mạnh.  

        Thanh Thanh