Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại vừa công bố Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2022!

Phần về Việt Nam, rất ghi nhận trong báo cáo lần này Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một sự thật, khẳng định sau điều tra cho thấy “không có chuyện Việt Nam ngăn cản, sách nhiễu những người lưu vong và gia đình của họ”.

Nhưng cũng chính trong báo cáo lại vẫn còn đưa những thông tin thiếu kiểm chứng, như vu khống chính quyền Việt Nam “bắt và giam giữ tùy tiện tù nhân chính trị; hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do internet...(!)”. Trong khi đã nhiều lần Việt Nam khẳng định và được Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp quốc ghi nhận là ở Việt Nam không có tù nhân chính trị (bị giam giữ nhưng không qua xét xử theo thủ tục pháp lý).

Với uy tín trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người, ngày 14-10-2022, Việt Nam là một trong 14 quốc gia đã trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 với số phiếu rất cao.

Còn cái gọi là hạn chế “tự do ngôn luận, tự do internet” thì lại càng xa lạ, khi mà Việt Nam hiện có tới 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan phát thanh truyền hình, 57 nhà xuất bản...; một đất nước có hơn 100 triệu dân mà tới 72,1 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ 73,2%. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới.  

Vì sao cũng trong một báo cáo mà phần thì phản ánh khách quan, trung thực; phần lại sai, thiên lệch, vừa ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa hai nước, vừa làm mất uy tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong nhìn nhận về dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam nói riêng, các nước có mối quan hệ với Mỹ nói chung?

Nguyên nhân là do những người có thù địch với Việt Nam thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” vừa dựng chuyện sai sự thật vừa kết cấu, lôi kéo, mua chuộc những đối tượng vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự trong nước không chịu “cải tà quy chính”, lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc sự thật về quyền con người ở Việt Nam.

Có những người lu loa, dựng chuyện, thậm chí ăn vạ. Điển hình như Lê Chí Thành, sinh năm 1983, thường trú tại phường Tân Hưng Thuận, quận 12, T.P Hồ Chí Minh, nhiều lần thực hiện hành vi cản trở lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ, để tạo cớ khiêu khích, xuyên tạc đưa thông tin sai sự thật về hoạt động công vụ. Sau đó phát tán lên mạng xã hội, mục đích “câu viu, câu lai”,thu hút người theo dõi để trục lợi cá nhân và đã bị Cơ quan bảo vệ pháp luật T.P Thủ Đức khởi tố, bắt giam về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 - Bộ luật Hình sự.

Dường như chỉ đợi có thế, mạng xã hội và một số cơ quan truyền thông có định kiến với Việt Nam đồng loạt đưa tin, đăng kèm ảnh cắt ghép, cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền, bắt người bất đồng chính kiến… Những người như Thành, chẳng khác nào nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên nổi tiếng trong dòng văn học Hiện thực phê phán Việt Nam, của nhà văn Nam Cao.

Trong mớ thông tin xấu độc đó, có những thông tin bịa đặt liên quan đến quan hệ giữa Việt Nam và các nước. Điển hình như họ nói: “Chính quyền Hà Nội đã gây sức ép với các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia… nhằm không cho những người Việt Nam bị đàn áp được tị nạn chính trị”(!). Những bịa đặt này đã bị chính quyền các nước lập tức bác bỏ, khẳng định đó là những thông tin sai sự thật, giúp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thông tin “sạch” đưa vào báo cáo.

Ngược lại,những thông tin bịa đặt khác, thậm chí lu loa, ăn vạ “kiểu Chí Phèo”, như Lê Chí Thành thì lại không được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kiểm chứng,trở thành “thông tin bẩn” trong báo cáo!

Nhưng cũng phải nói rằng, có cả sự thiếu khách quan, nếu như không muốn nói là mang ý đồ xấu của số người trong nhóm soạn thảo báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ví dụ như nhiều đoạn trong báo cáo, coppy lại y nguyên từ Báo cáo Nhân quyền năm 2021, như đưa lại một số trường hợp công dân Việt Nam phạm tội hình sự.

Nhưng nực cười nhất là, trong đó có bị cáo Ngụy Thị Khanh phạm tội trốn thuế, bị Tòa sơ thẩm tuyên phạt 24 tháng tù. Ngày 21-11-2022, Ngụy Thị Khanh đã được Tòa phúc thẩm quyết định giảm nhẹ hình phạt xuống còn 21 tháng tù, do Ngụy Thị Khanh đã hối cải, đóng góp cho xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19.

Không biết nhóm soạn thảo “quên cập nhật”, hay cố tình bỏ những tình tiết rất nhân văn của nền tư pháp Việt Nam, tạo cơ hội cho bị cáo được hưởng chế độ khoan hồng của pháp luật?; nếu vì bảo vệ cho nhân quyền đích thực thì sao nhóm soạn thảo lại làm việc một cách cẩu thả như vậy?

Để không làm tổn hại đến quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển tích cực, toàn diện như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden vừa khẳng định qua điện đàm, nhân dịpkỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, mong rằng Nhóm soạn thảo Báo cáo Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cần thận trọng, khách quan, để không lặp lại những sai sót đáng ngờ như trên.

Muốn thế, phải nhớ là chớ có nghe “Chí Phèo nói”!

Huy Thiêm