Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), sáng 22/2, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương và gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tổ chức khai mạc triển lãm “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Dấu ấn con đường huyền thoại”, giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu và hiện vật tiêu biểu phản ánh về những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Triển lãm “Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Dấu ấn con đường huyền thoại”gồm bốn nội dung chính. Phần đầu tiên “Quê hương, tuổi thơ và lý tưởng hoạt động cách mạng”, trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về quê hương, gia đình - nơi hun đúc, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước của chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Vũ (tên khai sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) sớm tham gia hoạt động cách mạng, vượt lên mọi khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã vượt lên mọi khó khăn, thử thách, từng bước trưởng thành, trở thành nhà lãnh đạo tài năng, đức độ, có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phần “Dấu ấn Trường Sơn”, trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh vai trò to lớn của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với việc phát triển tuyến đường chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ. Trên cương vị là Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 - Bộ đội Trường Sơn, với tài thao lược, sự mưu trí, sáng tạo, bản lĩnh, quyết liệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã xây dựng nên nghệ thuật vận tải chiến lược quân sự trên Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Với những sáng kiến táo bạo, kịp thời, phù hợp với thực tiễn chiến đấu, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ đạo các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn tổ chức, xây dựng thế trận giao thông liên hoàn đồng bộ, tạo mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc, trục ngang Bắc - Nam, Đông - Tây trên cả 3 nước Đông Dương; tổ chức xây dựng hệ thống thông tin và hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn; hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát dọc tuyến. Trong cuộc chiến đấu chống lại “chiến tranh ngăn chặn” của đế quốc Mỹ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đề xuất nhiệm vụ, trực tiếp chỉ đạo, tổ chức lực lượng triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng trên toàn tuyến đường Trường Sơn; bố trí trận địa pháo phòng không, tên lửa đối phó với việc ném bom của không quân Mỹ, tạo thành lưới lửa bảo vệ đội hình vận tải, để đảm bảo công tác chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thực hiện phương châm “đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến”, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ huy Bộ đội Trường Sơn tổ chức lực lượng tại chỗ đảm bảo giao thông và vận tải, đánh địch bảo vệ tuyến đường, phối hợp với bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương trên các chiến trường tham gia một số chiến dịch, đập tan cuộc “chiến tranh ngăn chặn” của không quân Mỹ và quân đội Sài Gòn: Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Chiến dịch Quảng Trị. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng được một hệ thống đường chiến lược bảo đảm cho tất cả loại binh khí kỹ thuật cơ động trong đội hình hành quân của các quân đoàn, binh chủng hợp thành thần tốc tham gia chiến dịch, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Phần “Dấu ấn những công trình”, trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh những đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trên nhiều cương vị công tác sau khi đất nước hòa bình, thống nhất. Tiêu biểu trong đó là: Nhà máy xi măng Hoàng Thạch, xi măng Bỉm Sơn, giấy Bãi Bằng, nhiệt điện Phả Lại, thủy điện Hòa Bình và đặc biệt là dự án xây dựng con đường Hồ Chí Minh hiện đại.

Phần “Trọn nghĩa vẹn tình”, trưng bày những tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu phản ánh tình cảm trọn tình, vẹn nghĩa của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với quê hương; đồng chí, đồng đội. Các hiện vật, tài liệu được giới thiệu tại triển lãm là những hiện vật có giá trị lịch sử, được lưu giữ tại Bảo tàng LSQS Việt Nam, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh và gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Trong đó, có nhiều hiện vật tiêu biểu lần đầu giới thiệu tới công chúng, như: Ống nhòm, Máy điện thoại - Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã sử dụng để theo dõi, liên lạc tới chỉ huy, nắm bắt tình hình, diễn biến, kịp thời chỉ đạo các lực lượng chiến đấu trên tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn, năm 1966 - 1975; nhóm hiện vật Mũ, Găng tay, Xẻng - Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Đặc phái viên Chính phủ, sử dụng trong lễ khởi công xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, do Bộ Quốc phòng tổ chức tại Khe Gát, xã Sơn Trạch - huyện Bố Trạch - tỉnh Quảng Bình, ngày 06/5/2000…

Triển lãm là hoạt động tri ân những công lao, đóng góp to lớn của đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ra sức học tập công tác, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 22/2 đến tháng 5/3/2023 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, Ba Đình, T.P Hà Nội.

Võ Hóa