Cách đây vừa tròn 70 năm, chiến dịch Tây Bắc đã giành được thắng lợi  to lớn. Thắng lợi này là sự kiện lịch sử hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Xét toàn cục, chiến dịch Tây Bắc là một chiến dịch thành công trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, trong đó vẫn có những trận đánh không thành công mà trận tiến công cứ điểm Tú Lệ của Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 là một trong những trường hợp như vậy.

Trận đánh này đã để lại dư âm mang tên "Tú Lệ" cho không ít cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165 từng tham gia chiến dich Tây Bắc.

Như các tài liệu tổng kết, trong Đợt 1 của chiến dịch Tây Bắc, Đại đoàn 312 được phối thuộc một đại đội sơn pháo 75 ly, một trung đội cối 120 ly, một đại đội công binh có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch trên tuyến đường Gia Hội đi Nghĩa Lộ, tiêu diệt cứ điểm Sài Lương (cách Nghĩa Lộ chừng 15km), tạo bàn đạp để chuẩn bị tiến đánh Gia Hội.

Sau khi đánh chiếm được Nghĩa Lộ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165 quyết định đánh công kiên Gia Hội. Tuy nhiên khi bộ đội ta vừa triển khai vào chiếm lĩnh trận địa thì phát hiện quân địch bỏ chạy theo hướng Gia Hội - Tú Lệ, Chỉ huy Trung đoàn liền ra lệnh cho Tiểu đoàn 115 truy kích địch.

Quân địch bị truy đuổi bèn tập trung lực lượng co cụm vào cứ điểm Tú Lệ tổ chức phản kích quyết liệt. Thấy quân địch nháo nhào chạy vào đồn Tú Lệ, tưởng "ngon ăn", bộ đội ta cũng bám theo truy kích vào đồn. Tuy nhiên, do không có lực lượng yểm trợ, tổ chức lại xộc xệch nên phần lớn bị chặn lại ngay trước cửa đồn, không thể vào được bên trong. Đôị hình bị dồn ứ nằm "phơi lưng" ngay khu vực trước cửa đồn. Được thể, hỏa lực của địch từ trong đồn thi nhau bắn ra gây thương vong lớn. Trước tình thế đó, nhẽ ra dừng lại củng cố thì Chỉ huy Trung đoàn 165 lại lệnh cho Tiểu đoàn 115 đánh luôn vào đồn Tú Lệ, trong khi Tiểu đoàn không có bộc phá để mở cửa và hỏa lực chế áp cũng không! Cũng chính vì thế mà Chỉ huy Tiểu đoàn 115 tổ chức cho triển khai đội hình bao vây chặt đồn, rồi sử dụng một bộ phận nhỏ đánh vào một số chốt bên ngoài đồn, vừa đánh vừa thăm dò, điều nghiên địch, chờ sự chi viện của Trung đoàn.

Trong quá trình vây đồn, một tình tiết ngoài dự kến xuất hiện, đó là một tốp quân địch từ Gia Hội tháo chạy về, tìm cách vào đồn Tú Lệ  bị bộ đội ta chặn đánh, tiêu diệt một cách khá dễ dàng. Vì thế, BCH Tiểu đoàn lại càng chủ quan cho rằng địch đang hoang mang, lúng túng nên có thể tiến công đồn Tú Lệ ngay mà không cần đợi viện binh của Trung đoàn.

Nửa đêm 19-10, Chỉ huy Tiểu đoàn phát lệnh xung phong. Hai đại đội chủ công là 501 và 503 ngày từ đầu đã bị vướng vào hàng rào bùng nhùng, lảm kích nổ cả bãi mìn. Thấy động, hỏa lực địch từ trong đồn thi nhau trút vào đội hình Đại đội 501 và 503, gây thương vong lớn cho hai đại đội này ngay tại khu vực cửa mở.  Đó là chưa kể số quân địch rút chạy từ Gia Hội cũng co cụm hết vào đồn Tú Lệ. Tựa như kế nghi binh của chúng, nhằm thu hút lực lượng ta vào một "cái túi" để dễ bề tiêu diệt.

Trong trận đánh này, sai lầm nối tiếp sai lầm, do chủ quan chồng chủ quan. Lẽ ra trong hoàn cảnh đó, BCH tiểu đoàn phải cho dừng trận đánh để đúc rút kinh nghiệm và chờ sự chi viện của trên. Ngược lại, Chỉ huy Tiểu đoàn với quyết tâm chiếm bằng được Tú Lệ nên vẫn hối thúc bộ đội tiến công...  Trận đánh cứ thế diễn ra trong thế bất lợi đến tận lúc trời sáng, lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho hỏa lực của địch từ trong đồn bắn ra chính xác hơn.

Chỉ đến khi nhận ra tình hình hết sức bi đát, Chỉ huy Tiểu đoàn mới ra lệnh rút lui thì đã quá muộn!

Trận tiến công cứ điểm Tú Lệ không thành công tuy không ảnh hưởng nhiều đến toàn bộ chiến dịch Tây Bắc. Nhưng có thể nói đây là một trận đánh cho ta bài học về sự chủ quan khinh địch; hiểu và nắm địch không chắc của người chỉ huy dẫn đến thất bại.  

Việt Anh