Lương giáo viên đang là vấn đề nóng, mà các cấp, các ngành bàn mãi vẫn cứ bí! - mặc dù biết đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giáo viên bỏ nghề; giáo viên “chạy” từ trường công sang trường tư.

Lương thấp cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn đến chất lượng dạy và học chưa đáp ứng được qua điểm xuyên suốt của Đảng ta coi “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Được biết, có những cô giáo hệ mầm non, thậm chí tiểu học hiện nay chỉ nhận được 3 triệu đồng/tháng. Rõ ràng là số lương đó không thể duy trì được mức sống tối thiểu, thì sao tận tâm, tận lực với nghề được! Buồn hơn nữa là qua khảo sát giáo viên ở Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam thì nhận được câu trả lời của số đông giáo viên là họ sống nhờ dựa vào gia đình!

Nhưng không phải tất cả giáo viên đều lương thấp, thậm chí nhiều tỉnh ở vùng sâu, vùng xa, lương giáo viên lên tới 25 triệu đồng/tháng - do chính sách ưu đãi của Nhà nước. Nhiều tỉnh, thành phố lâu nay cũng có những khoản chi từ ngân sách địa phương bổ sung thêm cho lương giáo viên hằng tháng, nhưng thất thường, khi có khi không, khi cao khi thấp...

Ai cũng thấy cần phải tăng lương cho giáo viên, nhưng Nhà nước lại không thể tăng nổi so với nhu cầu, vì ngân sách không chịu được, do số lượng giáo viên quá lớn, lại tăng hằng năm theo dân số tăng. Trong khi các tỉnh dường như đứng ngoài cuộc. Đúng là tỉnh chỉ có “kiến nghị lên Trung ương phải tăng lương cho giáo viên!”

Vậy làm thế nào?

Nhiều chuyên gia đề xuất: Đi đôi với khuyến khích hệ thống trường học tư, Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ cho các tỉnh lấy từ ngân sách địa phương trả lương thêm cho giáo viên của tỉnh mình. Tỉnh là đầu mối nắm chắc thực lực hoàn cảnh, năng lực, mức sống của đội ngũ giáo viên.

Thực chất tỉnh “lo” lương cho giáo viên là lo làm tốt nhiệm vụ “quốc sách hàng đầu”, lo cho thế hệ tương lai của tỉnh nhà - để thấy cần phải tăng lương cho giáo viên lên một mức phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của địa phương. Chắc chắn đây sẽ là nhiệm vụ được nhân dân, các cấp, các ngành trong tỉnh đồng tình ủng hộ.

Đây như một mục tiêu, một chỉ số để đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của các tỉnh giúp cho công tác đào tạo, sử dụng cán bộ.

Huy Thiêm