Chuyển đổi số giúp nâng cao năng lực của Chính phủ trong việc cung cấp dịch vụ xã hội và trao quyền cho người dân trong việc tiếp nhận dịch vụ.

Chuyển đổi số đã và đang thay đổi mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung cần triển khai trong giai đoạn tới. Để cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của Đảng, nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng nNghị quyết về chuyển đổi số bao gồm những chủ trương lớn, quan điểm chỉ đạo quan trọng để thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về chuyển đổi số của địa phương trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để phổ cập dịch vụ viễn thông tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… và đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2269/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Mục tiêu của Chương trình là cung cấp dịch vụ viễn thông bắt buộc cho 100% đối tượng sử dụng; bảo đảm 100% nhà giàn, xã đảo, huyện đảo được cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập; đạt 100% thôn, bản, làng, ấp, phum, sóc, buôn, bon, đảo có hộ dân sinh sống (gọi chung là thôn) đã có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các khu vực mà doanh nghiệp không có khả năng kinh doanh hiệu quả theo cơ chế thị trường được cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

Trong quá trình chuyển đổi số, có một bộ phận người dân vì nhiều điều kiện có khả năng không theo kịp sự “chuyển động chung” của xã hội, trong đó có người nghèo. Theo Bộ LĐTBXH, năm 2021 cả nước còn 609.049 hộ nghèo và 850.202 hộ cận nghèo. Trên cơ sở đó, Bộ TTTT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025, trong đó đề xuất hỗ trợ hộ nghèo và hộ cận nghèo mua điện thoại thông minh.

Tại T.P Hồ Chí Minh, một trong những nhóm giải pháp trong thực hiện đề án xây dựng T.P Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh năm 2022, thành phố đề ra mục tiêu rà soát, hỗ trợ 50-70% người nghèo chưa có điện thoại thông minh để phát triển chuyển đổi số (hiện nay, thành phố có hơn 144.000 người nghèo).

Còn tỉnh Yên Bái đón đầu cơ hội bứt phá bằng phương pháp chọn chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu để phát triển kinh tế. Công nghệ hiện là xu thế phát triển chung. Là một tỉnh nghèo, muốn phát triển được, muốn đi tắt đón đầu, thì phải lựa chọn phát triển công nghệ, trong đó ưu tiên chuyển đổi số, chờ cơ hội “đi sau, về trước”.

Nhằm lan toả, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội, tỉnh Lạng Sơn triển khai mạng lưới Tổ công nghệ cộng đồng từ tháng 7-2021. Tổ công nghệ cộng đồng tại các thôn, bản, khối phố dựa trên ý tưởng của Tổ Covid cộng đồng đã cho thấy rất hiệu quả bước đầu. Hiện nay, Lạng Sơn thành lập được 1.596 tổ công nghệ cộng đồng với 5.822 thành viên để lan tỏa đưa công nghệ số vào cuộc sống. Với mong muốn nhân rộng những sáng kiến, cách làm hay của tỉnh Lạng Sơn, Bộ TTTT vừa có hướng dẫn thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Đến nay, có thêm các tỉnh Quảng Nam, Yên Bái áp dụng mô hình này.

Qua thí điểm chuyển đổi số của Bộ TTTT tại 12 xã, trong đó 2 xã đã có kết quả khả quan ngay trong vài tuần triển khai. Tại xã Yên Hoà (tỉnh Ninh Bình), khi chuyển đổi số cho khám chữa bệnh, số tiền tiết kiệm được là đáng kể. Ước tính việc đi lại khám sơ bộ là hơn 27 triệu đồng trong vòng 2 tuần. 1 tháng dự kiến tiết kiệm 50 triệu đồng và 1 năm dự kiến tiết kiệm được 600 triệu đồng cho bà con trong xã. Ngoài ra còn làm giảm lượng bệnh nhân lên tuyến huyện/tỉnh, giảm việc người dân đi lại và các chi phí khác liên quan. Ở xã Vi Hương (tỉnh Bắc Kạn), chuyển đổi số giúp tạo môi trường kết nối chia sẻ nhờ những nguồn lực sẵn có như Zalo, xây dựng trang web bán nông sản trên Facebook, trên các sàn thương mại điện tử Postmar, shopee, Postmart, vận chuyển hàng hóa cho bà con... Doanh thu từ bán nông sản của bà con tăng từ 1-2 triệu lên 4-5 triệu đồng.

Kỷ nguyên số mang lại những cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức đối với các nước đang phát triển. Chuyển đổi số phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, nhằm thúc đẩy, thay đổi tổng thể, toàn diện phương thức phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế tri thức, tạo điều kiện thực hiện tốt an sinh xã hội rất cần chuyển đổi số - một phương tiện “chuyên chở” chính sách vào thực tiễn cuộc sống.

Hồ Thanh Hương