Sau hơn 35 năm đổi mới, chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy nước ta đã có nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thực sự hay chưa? Đây là câu hỏi được Thủ tướng đặt ra trong buổi trao đổi với các doanh nghiệp (DN) nhà nước ngày 28-3 vừa qua. Báo CCB Việt Nam xin trích đăng ý kiến khá thẳng thắn của TS. Lê Duy Bình.

Phải khẳng định ngay rằng, chúng ta mới đặt những “viên gạch” đầu tiên cho nền móng xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.  

Một thực trạng là nhiều DN vẫn có tư tưởng trông chờ vào Nhà nước rất nặng nề, do ỷ vào “định hướng XHCN”. Họ để mất vị trí là chủ thể quan trọng của nền kinh tế thị trường.

Đứng trước bất kỳ các khó khăn nào, dù là Covid-19 hay sự các biến động của thị trường toàn cầu; ví dụ như tăng giá của hàng hóa nguyên - nhiên liệu nhập khẩu, nhiều DN và Hiệp hội DN thường yêu cầu Nhà nước phải can thiệp vào thị trường thông qua các biện pháp hỗ trợ, bù giá, trợ cấp, bù lãi suất, hoặc kêu cứu, đề nghị giải cứu, đòi hỏi sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nhà nước chịu nhiều sức ép của DN nên phải can thiệp vào thị trường bằng nhiều cách thức khác nhau. Sự can thiệp đó nếu hợp lý và với liều lượng vừa phải sẽ đóng vai trò phát triển hay kiến tạo, nhưng nếu không được thiết kế tốt hoặc thực hiện không hiệu quả thì tự nó lại hạn chế hiệu quả của cơ chế thị trường, thậm chí làm phương hại tới các nguyên tắc lành mạnh của thị trường...

Cộng đồng DN cần đối diện với sự khắc nghiệt, những kỷ luật và nguyên tắc chặt chẽ của thị trường,  những “cú sốc” mà thị trường có thể mang lại dưới nhiều hình thức khác nhau, vào bất kỳ thời điểm nào. Chấp nhận các nguyên tắc của thị trường, các “luật chơi” của thị trường. Từ những va đập đó, DN sẽ có tâm thế chủ động và thực hiện biện pháp nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, chiến lược quản lý rủi ro, vận hành theo các cơ chế thị trường.

Với hơn 15 hiệp định thương mại được ký kết, sự vận hành của nền kinh tế Việt Nam theo các nguyên tắc cơ chế thị trường ngày càng đòi hỏi sự khéo léo và trình độ tinh vi cao hơn. Đảm bảo các nguyên tắc của kinh tế thị trường là một trong những biện pháp hỗ trợ tốt nhất để DN Việt Nam đứng vững ở thị trường trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giảm bớt rủi ro cho chính DN Việt Nam và nền kinh tế, trước các vụ kiện chống bán phá giá. Đây là đòi hỏi bắt buộc từ nội tại của nền kinh tế và của quá trình hội nhập kinh tế.

Công tác xây dựng, thực thi chính sách, quy định pháp luật cần luôn dựa trên các nền tảng của thị trường, sử dụng các công cụ và cách thức vận hành của thị trường làm biện pháp điều chỉnh các hành vi của các tác nhân trong thị trường, hoặc hỗ trợ, hoặc kiến tạo cơ hội phục hồi, phát triển của các tác nhân khác nhau trong thị trường hơn là lạm dụng các biện pháp như “bình ổn giá”, “cấp bù lãi suất”, “hỗ trợ giá”, “bù giá”, “ưu đãi”, “thiết lập quỹ ổn định thị trường”... Những biện pháp này còn tồn tại rất nhiều, thậm chí dường như có xu hướng gia tăng trong thời gian vừa qua.  

Thách thức phía trước trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn khá lớn. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều khái niệm mới cần được cập nhật. Các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách một mặt phải hoàn thiện thể chế chính sách thị trường bằng cách xử lý các vấn đề mang tính truyền thống, nhưng cũng phải nhanh chóng nắm bắt những nội dung mới, xu thế mới và những vấn đề mới của nền kinh tế thị trường thế giới. Ví dụ như sự xuất hiện của tài sản số, NFT, bitcoin... Khi nó xuất hiện, các quốc gia họ nghiên cứu ngay và đưa ra các định hướng về việc công nhận quyền sở hữu đối với tài sản số và thừa nhận các giao dịch bằng bitcoin. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố bản báo cáo về khả năng tạo ra một đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC)… Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cũng có những động thái tương tự. Tài sản số, đồng tiền số, giao dịch số, hợp đồng số rõ ràng đặt ra các vấn đề thị trường rất lớn mà không thể không đề cập tới trong quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Ngoài các thị trường của những sản phẩm, hàng hóa dịch vụ nền tảng mang tính truyền thống, thì ngày càng xuất nhiệu nhiều thị trường mới đối với sản phẩm, dịch vụ vô hình hay trên nền tảng số. Tài sản trí tuệ, bằng sáng chế, kết quả của quá trình đổi mới sáng tạo, cơ hội trao đổi hạn ngạch phát thải nhà kính chỉ là một vài trong số vô vàn các sản phẩm, dịch vụ như vậy. Những sản phẩm, dịch vụ vô hình đó cũng cần được xác lập về quyền sở hữu, cần được giao dịch, trao đổi. Hình thành các thể chế, quy định pháp luật hỗ trợ cho các giao dịch đối với thị trường của các sản phẩm, dịch vụ đó sẽ mang lại lợi ích thực tế cho nền kinh tế thực, đồng thời nó  sẽ tạo ra các không gian, cơ hội mới cho sự phát triển của nền kinh tế mà không đòi hỏi phải mở rộng thêm về nguồn lực vật chất như đất đai. Những sản phẩm vô hình đó sẽ mạng lợi ích cho nền kinh tế thực, như thu nhập cho người lao động, cho DN, nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tựu trung lại, chúng ta phải liên tục đổi mới, cập nhật tư duy về kinh tế thị trường chuyển đổi thực chất hơn  sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN thì mới hy vọng theo kịp xu thế phát triển của thế giới.

TS. Lê Duy Bình - Economica Vietnam

(*) Đầu đề của Báo CCB Việt Nam.