Mở cửa du lịch sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Phát biểu tại Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 vào tối 26-3, tại tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, năm Du lịch quốc gia 2022 là một trong những sự kiện quan trọng, đánh dấu cho hoạt động mở cửa du lịch trở lại. Cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh, các sự kiện du lịch xuyên suốt cả năm sẽ là đòn bẩy quan trọng và cơ hội cho ngành du lịch tăng tốc, bứt phá nhằm thực hiện mục tiêu thu hút du khách, là bàn đạp để đất nước nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Chuẩn bị tốt nhất để đón khách du lịch

Hơn 1 tháng qua, sau khi có thông tin về Chính phủ ấn định mốc 15-3 mở cửa hoàn toàn du lịch, các địa phương và doanh nghiệp du lịch đã triển khai nhiều nội dung khởi động lại hoạt động du lịch, kết nối với đối tác, xây dựng sản phẩm trọng điểm. Để thu hút khách, Sở Du lịch Hà Nội triển khai các hoạt động, sản phẩm, chương trình tuyên truyền, quảng bá về du lịch Hà Nội trước, trong thời gian diễn ra SEA Games 31. Tổ chức các sự kiện lễ hội định kỳ hằng năm trên địa bàn thành phố như: Lễ hội Du lịch - Văn hóa ẩm thực, Lễ hội Quà tặng Du lịch, Festival Áo dài Hà Nội; chương trình hành trình hữu nghị; tổ chức tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và bài hát dành cho du lịch Hà Nội thu hút sự tham gia tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch đối với các sự kiện này.

Tại T.P Hồ Chí Minh, Ngành Du lịch cũng tập trung thu hút khách quốc tế bằng cách đẩy mạnh các chương trình truyền thông điểm đến thông qua các kênh truyền thông trong nước, quốc tế, cũng như kênh trực tuyến, mạng xã hội,… nhằm quảng bá sâu rộng du lịch của thành phố qua điểm đến, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm và ẩm thực. Thành phố dự kiến đón khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Việc thành phố triển khai đón khách quốc tế hiệu quả sẽ giúp kích hoạt ngành du lịch cả nước thực sự hồi sinh. Thành phố đang kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan xem xét cơ chế riêng, phù hợp với đặc thù địa phương.

Tỉnh Khánh Hòa là địa phương chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng cho công tác thí điểm đón khách quốc tế. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Địa phương đã ban hành Hướng dẫn thí điểm đón khách quốc tế đến Khánh Hòa. Đáng chú ý, từ tháng 4, Khánh Hòa mở rộng việc đón khách du lịch quốc tế ra toàn bộ khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Để chuẩn bị tốt cho kế hoạch đón khách quốc tế, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và đặt ra các phương án, quy trình hướng dẫn đón, phục vụ khách du lịch đảm bảo an toàn. Cụ thể, địa phương ban hành và phổ biến tới các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn “Bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19” đối với hoạt động du lịch.

T.P Đà Nẵng triển khai phương án hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới với thông điệp “Đà Nẵng sẵn sàng mở cửa, chào đón khách du lịch”. Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho biết: Phương án tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm công tác chuẩn bị nguồn nhân lực và bảo đảm chất lượng dịch vụ; chuẩn bị sản phẩm mới; công tác đảm bảo an ninh - an toàn phục vụ khách và kế hoạch truyền thông, xúc tiến thị trường.

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

Ngày 22-3, Bộ VHTTDL cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn. Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ VHTTDL đánh giá cao vai trò quan trọng của hội nghị trong việc mở cửa du lịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, để du lịch Việt Nam thực sự bước vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng mới.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: Đây là thời điểm vàng để khôi phục hoạt động du lịch sau 2 năm chịu tác động nặng nề của đại dịch. Thời gian qua, Ngành Du lịch cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kép hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa khôi phục hoạt động du lịch. Việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế được triển khai từ tháng 11-2021 đến ngày 14-3-2022, đạt nhiều kết quả tích cực. Đến thời điểm này, Việt Nam đón hơn 10.000 khách quốc tế theo chương trình Hộ chiếu vắc-xin. Đây là những tín hiệu tích cực để Ngành Du lịch tự tin mở cửa hoàn toàn, phục vụ du khách trong nước và quốc tế...

Phát biểu tại lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19; chủ động tuyển dụng, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh, an toàn cho người dân và du khách; tăng cường liên kết giữa các vùng, miền du lịch để tạo sức mạnh cho ngành du lịch, tăng sức cạnh tranh trong khu vực; chủ động, linh hoạt hơn trong việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế; bảo đảm an ninh, an toàn, ứng xử văn hóa, văn minh tại các điểm du lịch, đẩy mạnh tuyên truyền “Mỗi người dân là một đại sứ du lịch”…

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch vào thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời. PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định: Ngành Du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn, sẵn sàng để đón tiếp du khách. Chính phủ cần tăng số lượng nước được miễn thị thực và tăng số ngày du khách có thể lưu trú, để tận dụng được cơ hội hồi phục mạnh mẽ hơn. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, linh hoạt các chính sách sẽ là điều kiện thuận lợi để Ngành Du lịch Việt Nam tiến hành mở cửa hiệu quả, an toàn; hướng đến mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa trong năm 2022, phấn đấu tổng thu từ du lịch khoảng 400 nghìn tỷ đồng.

Võ Hóa