Ông Phùng chăm sóc đàn lợn của gia đình mình.

CCB Đặng Văn Phùng ở xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nổi tiếng làm kinh tế giỏi từ chăn nuôi heo theo mô hình khép kín.

Ban đầu chưa có kinh nghiệm, ông nuôi ít, quy mô nhỏ, sau gây dựng đàn heo với quy mô lớn. Đến nay, gia đình ông có hơn 100 con heo nái, 600 con heo thịt. Đều đặn mỗi tháng gia đình ông xuất khoảng 150 heo thịt ra thị trường. Trung bình mỗi năm, đàn heo mang về cho gia đình ông Phùng hơn 1 tỷ đồng (đã trừ chi phí).

Trang trại nuôi heo của ông Phùng nằm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Khoảng cách từ cổng đến trang trại chừng 100m, đều được rải vôi và có nhân viên kiểm tra theo quy định. Ngoài ông và những công nhân đang làm việc trong trang trại, không ai được tiếp xúc trực tiếp với đàn heo. Bởi theo ông “điều này mang đến nguy cơ lây lan mầm bệnh”. Vì thế, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều hộ gia đình phải “treo” chuồng thì đàn heo của gia đình ông Phùng vẫn phát triển ổn định, không có cá thể nhiễm bệnh.

Ông Phùng chia sẻ: “Vào thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát, mỗi ngày trang trại phải khử trùng toàn bộ khuôn viên, định kỳ 3 ngày/lần phun thuốc diệt ruồi, muỗi; đặc biệt coi trọng kiểm soát nguồn nước, nguồn thức ăn nhằm tăng cường khả năng đề kháng của đàn heo”.

Chia sẻ về chuồng nuôi ông Phùng cho biết: “Chuồng trại được xây dựng đúng chuẩn kỹ thuật, để đảm bảo luôn khô ráo, thoáng mát về mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Toàn bộ chuồng đều được thiết kế cao hơn nền bê tông khoảng 1m nhằm tránh ẩm ướt, ngập úng, giúp dễ thoát nước và dọn dẹp vệ sinh. Đồng thời trang trại cũng được phân thành từng gian riêng biệt, nhằm tạo không gian, cũng như duy trì đủ số lượng heo trên diện tích cụ thể”.

Bí quyết mà CCB Đặng Văn Phùng “giắt lưng” là đi đôi với nâng cao chất lượng dinh dưỡng phải rất coi trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cho đàn gia súc.    

Minh Anh