Bà Hằng, nhà ở Đội 4, thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), đang ngồi chơi với vài đứa cháu nhỏ ở sân, thì bà Năm hàng xóm sang chơi. Hai bà ngồi nói chuyện về Tết nhất, chợt bà Năm bảo:

- Này bà, Tết nhất sắp tới nơi rồi, bao nhiêu là thứ phải lo, phải cần tới tiền, mà tiền thì chưa thấy trông vào đâu cả…! Ngay như cái chuyện lo đổi vài triệu bạc tiền mới mệnh giá nhỏ để lì xì mừng tuổi cho các cháu, đi lễ bái cũng không biết đổi ở đâu nữa…(?!).

Nghe vậy, bà Hằng, bảo:

- Ối dào, bà cứ vẽ chuyện, hơi đâu mà lao vào chạy theo trào lưu đổi tiền mới cho mất công, tốn phí, chi cho bằng bà cứ dùng tiền đã qua sử dụng để lì xì mừng tuổi ngày xuân năm mới, hay đi lễ chùa cũng đâu có sao…

Sau khi nghe bà Hằng phân tích thiệt, hơn, bà Năm phân trần:

- Bà nói cũng đúng, cái hay, chứ dịp Tết năm nào không chỉ riêng mình tôi, mà mấy đứa con nhà tôi cũng “khốn khổ” đi nhờ vả đổi tiền mới mệnh giá nhỏ, đã vậy lại hao tổn tiền bạc nữa chứ, khi phí đổi bị triết khấu khá đắt từ 15 đến 40%, tùy mệnh giá tiền. Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, có khi tôi cũng nghe bà, không đổi tiền mới, mà gom những đồng tiền đã qua sử dụng để lì xì, đi lễ chùa…

Chứng kiến câu chuyện của hai bà hàng xóm, tôi nghĩ đúng là bấy lâu nay trào lưu mà mọi người, mọi nhà cứ cận Tết tới là lại lo đổi tiền mới mệnh giá nhỏ để phục vụ chuyện lì xì, đi lễ chùa là không cần thiết, bởi lẽ chúng ta vẫn có thể dùng những đồng tiền đã qua sử dụng để lì xì, để đi lễ cũng đâu có sao, miễn là tình cảm, tấm chân tình của mình gửi gắm vào những tờ tiền cũ là được. Bỏ đi thói quen đó không chỉ vơi bớt một nỗi lo, mà còn không bị thiệt hại kinh tế khi không “vứt đi” một khoản phí đổi đắt đỏ rất đáng kể…

Lê Thị Kết