Có thể nói, tình trạng đơn thư tố cáo nặc danh (ném đá giấu tay) với nội dung sai sự thật, vu khống nhằm mục đích triệt hạ uy tín người khác thường thấy trong các giai đoạn “nóng” như Đại hội Đảng hoặc bầu cử HĐND các cấp, cất nhắc - đề bạt bổ nhiệm nhân sự tại các cơ quan... Nhiều vụ việc đơn thư tố cáo nặc danh đã được cơ quan chức năng làm rõ, xử lý triệt để trong thời gian qua là bài học cho nhiều đơn vị khác áp dụng!

Nhan nhản đơn thư “ném đá giấu tay”

Điểm lại một số vụ việc gần đây, cho thấy: Tháng 9-2020, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Minh Tuấn, trú tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk và Phạm Đình Quý, trú tại xã La Gi, tỉnh Bình Thuận về tội “Vu khống” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự. Trước đó, Quý và Tuấn đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ thấp uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trước thềm Đại hội đảng bộ các cấp.

Ngày 4-10-2021, TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử và tuyên phạt ông Hồ Đình Tùng - cựu Phó chủ tịch Thường trực HĐND thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) 30 tháng tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Ông Tùng mạo danh một số cá nhân làm đơn tố cáo ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng xác minh nội dung tố cáo trong các đơn thư là sai sự thật, gây mất an ninh trật tự; bôi nhọ, xúc phạm Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn.

Trước đó, Cơ quan Công an thị xã Nghi Sơn đã thu được 4 đơn tố cáo nặc danh gửi đến tổ trưởng tổ dân phố, 1 đơn gửi đến giám đốc doanh nghiệp; Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn cũng thu được 46 đơn từ các trường học trên địa bàn…

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng có những vụ việc tố cáo nặc danh tương tự. Ví như, vụ Bí thư Đảng ủy phường Vân Phú, T.P Việt Trì, cũng từng bị tố cáo nặc danh có hành vi bao che cho người nhà đổ đất, xây dựng nhà trái phép trước thềm đại hội đảng bộ các cấp. Sau đó, Đoàn kiểm tra xác minh nội dung tố cáo là không đúng. Khu đất nêu trong đơn tố cáo thuộc diện thu hồi để mở rộng đường, người họ hàng xa của Bí thư phường xin dựng lều bạt để trông coi và cam kết tự tháo dỡ nếu có yêu cầu. Cơ quan Công an xác minh người tố cáo nặc danh có mâu thuẫn cá nhân nên đã bịa ra để tố cáo và xử phạt hành chính.

Mới đây, nhiều đơn thư gửi đi các cấp tố cáo nặc danh Giám đốc một bệnh viện lớn tại tỉnh Phú Thọ, cho rằng vị Giám đốc này có nhiều sai phạm. Người đứng tên trong đơn tố cáo lại ghi là bà Trần Thị Hiền - cựu Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ và ông Tống Viết Hiển - cán bộ Sở Y tế Phú Thọ. Tuy nhiên, khi xác minh lại thông tin, các vị này đều khẳng định không hề viết đơn, mà là người nào đó mạo danh. Hay vụ tố cáo một giám đốc trung tâm y tế một huyện ở tỉnh Phú Thọ trước thềm Đại hội Đảng các cấp cũng là minh chứng. Người “ném đá giấu tay” cho rằng, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy được bổ nhiệm khi chưa đủ điều kiện; đơn vị này còn vay chục tỷ đồng của ngân hàng để đầu tư phát triển “thần tốc” số giường bệnh điều trị từ 150 giường lên 500 giường, ép người bệnh sử dụng dịch vụ y tế để tăng nguồn thu. Mặc dù vậy, những nội dung tố cáo vị Giám đốc Trung tâm y tế là không đúng, mục đích của “người ném đá giấu tay” nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín trước thềm đại hội đảng các cấp mà thôi...

Xử lý đơn “ném đá giấu tay” thế nào?

Có thể nói, đơn thư tố cáo có vai trò quan trọng trong phát hiện các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nhất là những việc liên quan đến tài chính, kinh tế, liên quan đến con người. Từ việc người dân khiếu nại, tố cáo, giúp cho tổ chức kịp thời xem xét, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời những sai phạm. Tuy nhiên, không ít đơn thư không chính danh, kiểu “ném đá giấu tay” được gửi đi nhiều nơi; thậm chí phát tán trên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, phá rối, gây mất đoàn kết nội bộ. Việc làm này có thể gây ra những hệ lụy xấu, thậm chí là nguy hiểm cho xã hội. Người bị tố cáo theo kiểu “ném đá giấu tay” ít nhiều cũng bị mất uy tín, danh dự bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị mất cơ hội thăng tiến dù là người rất tốt, có chuyên môn giỏi. Bởi vì, nhiều khi “được vạ thì má sưng”!

Vậy cách xử lý đơn “ném đá giấu tay” như thế nào? Hầu hết cho thấy sự vào cuộc của cơ quan thanh kiểm tra, cơ quan công an mới làm sáng tỏ vụ việc, minh oan được cho người bị tố cáo theo kiểu “ném đá giấu tay”.

Nhìn từ vụ ông Hồ Đình Tùng mạo danh người khác để tung đơn đi các nơi nhằm bôi nhọ ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn là bài học cho nhiều cơ quan khác tham khảo. Bởi thực tế, qua vụ việc này cho thấy cách xử lý đơn thư nặc danh của Công an tỉnh Thanh Hóa rất có “nghề” và chuyên nghiệp. Ví như, từ dấu bưu diện, cơ quan công an xác minh được ngày giờ người gửi; xem qua camera tại bưu điện để xác định người gửi; phối hợp cùng với Phòng Kỹ thuật hình sự (PC09) để lấy mẫu vân tay, mẫu máu của ông Tùng và trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự giám định các dấu vết trên vỏ phong bì kèm theo đơn tố cáo bên trong.

Qua kiểm tra 10 phong bì (còn nguyên, chưa bóc), Công an tỉnh Thanh Hóa xác định 4 phong bì có dấu vết AND của ông Hồ Đình Tùng; 8 phong bì còn nguyên vẹn, chưa bóc do các lãnh đạo tỉnh này chuyển lại, xác định có 3 dấu vết đường vân tay của ông Tùng trên vỏ phong bì…

Nhìn lại một số vụ việc tố cáo nặc danh ở tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Kiên Cường - Trưởng ban Tiếp công dân tỉnh Phú Thọ phát biểu trên báo giới rằng: Theo quy định, đơn thư khiếu nại tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở thẩm tra, xác minh thì cơ quan tiếp nhận đơn xem xét, xử lý đơn tố cáo đó. Điều đó có nghĩa là, người xử lý đơn tố cáo nặc danh hoàn toàn do người tiếp nhận, giải quyết quyết định căn cứ vào chất lượng các thông tin và bằng chứng người tố cáo đưa ra.

Ông Cường cũng cho biết thêm, theo quy định, trong 7 đến 10 ngày, cơ quan tiếp nhận đơn phải xác minh về người tố cáo để xem xét người đó có thật hay không, hay là mạo danh để làm cơ sở thụ lý đơn tố cáo. “Chúng tôi coi đơn tố cáo nặc danh cũng là một kênh thông tin. Với những tố cáo thông tin không rõ ràng, thiếu bằng chứng thuyết phục thì lưu trữ. Tuy nhiên, với những trường hợp đơn tố cáo gửi liên tục, gửi đến nhiều cơ quan, xác định được động cơ phá rối, gây mâu thuẫn nội bộ thì lúc đó cần lập chuyên án để xử lý”- ông Cường nói!

Chính Nhi