Thăm mô hình phát triển kinh tế của hộ CCB Hoàng Văn Trình, thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng.

Xuất thân là gia đình nông nghiệp, nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ tại ngũ, ra quân, trở về quê Đồng Lĩnh, Chi Lăng, Lạng Sơn, CCB Hoàn Văn Trình xác định sẽ đi lên từ nông nghiệp. Sau này, khi đã đạt được kết quả nhất định trong sản xuất, làm kinh tế, CCB Hoàng Văn Trình, mới bộc bạch: Đất nước đã đổi mới mấy chục năm, từ Nam ra Bắc đâu đâu cũng công nghiệp hóa ầm ầm. Nhưng mình vẫn quyết tâm đi lên từ đất. Có điều phải khai thác thế mạnh của Chi Lăng, đó là trồng cây ăn quả; làm ra sản phẩm để bán, mới mong xóa nghèo và sau đó mới tính chuyện làm giàu…!

Năm 1995, thời điểm anh ra quân, xây dựng gia đình, đời sống kinh tế đất nước nói chung, quê hương Chi Lăng nói riêng vẫn rất khó khăn; đặc biệt là nông dân. Xoay xở kiếm sống, ổn định từng bước kinh tế gia đình lâu dài luôn là nỗi lo của CCB Hoàng Văn Tình. Qua tìm hiểu, thấy quả na Chi Lăng đang dần dần được thị trường ưa chuộng và điều kiện phát triển cây na khá thuận lợi, anh đã vận  động gia đình khai phá được 2ha đất núi đá để trồng 800 cây na dai. Na trồng từ 3-5 năm đã cho thu hoạch khá hơn so với trồng lúa, trồng màu. Từ đó, anh mạnh dạn đưa “na núi” xuống trồng ở đất ruộng trước đây cấy lúa, nhưng nay gặp hạn, gần như hoang hóa. Kết hợp kinh nghiệm trồng na truyền đời của người dân Chi Lăng, với áp dụng khoa học kỹ thuật mới; đặc biệt là tuân thủ quy trình trồng na theo tiêu chuẩn VietGap, nên na của anh cũng như của nhiều gia đình ở địa phương không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.

Với hơn 1.000 gốc na, sau 5 năm, gia đình anh dành dụm được vốn liếng hàng trăm triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị cao trong sản xuất nông nghiệp, qua tìm hiểu thị trường, học hỏi kinh nghiệm của đồng chí, đồng đội, CCB Hoàng Văn Trình mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi 9 sào ruộng cấy một vụ sang trồng 500 cây bưởi Diễn và 200 cây táo lai. Thấy trồng bưởi Diễn cho kết quá khá, năm 2013, anh cho trồng thêm 200 cây bưởi Diễn. Để đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập, cùng với phát triển diện tích, CCB Hoàng Văn Trình chú trọng áp dụng kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng các loại quả, từ đó nâng cao giá thành, hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cùng với nguồn thu nhập từ trồng na dai khá ổn định, nguồn thu từ trồng bưởi Diễn và táo lai, đã giúp gia đình anh thu nhập hằng năm bình quân gần 500 triệu đồng (thu từ trồng na 200 triệu đồng; từ trồng bưởi Diễn trên 250 triệu đồng…).

Trên diện tích trồng cây ăn trái lâu năm, gia đình khéo biết tận dụng trồng xen  các loại rau củ, phát triển chăn nuôi; hình thành mô hình trang trại tổng hợp; tạo thêm nguồn thu. Vườn cây, chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch, cải tạo đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan hấp dẫn.

Với một miền quê sinh sống thuần túy bằng nông nghiệp, tổ chức sản xuất kinh doanh theo mô hình kinh tế hộ gia đình, để có được kết quả trên là cả một quá trình phấn đấu kiên trì, khắc phục muôn vàn gian khó; chọn được phương thức sản xuất kinh doanh đúng hướng; chọn được cây trồng phù hợp đất đai, khí hậu địa phương; vừa kết hợp kinh nghiệm sản xuất truyền thống với áp dụng khoa học công nghệ mới, cho kết quả cao. Đặc biệt, qua mô hình sản xuất kinh doanh quy mô gia đình cho hiệu quả cao, CCB Hoàng Văn Trình đã truyền đạt, giới thiệu kinh nghiệm rất thiết thực cho các CCB, nhiều gia đình ở địa phương tham khảo thực hiện và đạt kết quả tốt. Đó chính là đóng góp thiết thực nhất của CCB Hoàng Văn Trình trong thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.

Với những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả cao, nhiều năm liền CCB Hoàng Văn Trình được Hội CCB huyện Chi Lăng tôn vinh là “Nông dân lao động sản xuất giỏi”, “Hộ gia đình sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện”.

Cùng với sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, CCB Hoàng Văn Trình còn tích cực tham gia công tác Hội, và cũng từ kết quả sản xuất kinh doanh, anh có điều kiện đóng góp, ủng hộ các chương trình, các phong trào do Hội CCB và địa phương phát động: Đóng góp Quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”, xây dựng Nông thôn mới…

Những kết quả mà CCB Hoàng Văn Trình đạt được trên các mặt sản xuất làm kinh tế và hoạt động xã hội xứng đáng với nhiều Bằng khen, Giấy khen được UBND, Hội CCB huyện Chi Lăng tặng thưởng; xứng đáng là người lính Cụ Hồ trên mặt trận xóa đói giảm nghèo.

Việt Hưng