Chăm bón rau xanh là một cách để cựu thuỷ thủ Trần Hậu Vệ nhớ về những ngày trên tàu không số chỉ dùng thức ăn khô, dành tiền phòng khi bất trắc.

Trong những ký ức về Đoàn tàu không số - Lữ đoàn Hải quân 125 - đơn vị Anh hùng LLVTND, có hai thứ rất đặc biệt. Đó là “quan tài” và tiền trong những chuyến đi (ở đây là tiền để cán bộ, thủy thủ tàu chi tiêu sinh hoạt khi cần thiết, không đề cập tới tiền là loại “hàng đặc biệt” được đưa vào Nam cho Quân giải phóng).

CCB, Đại úy Trần Hậu Vệ - nguyên là thủy thủ phụ trách hoả lực trên tàu đã trực tiếp tham dự 9 chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam từ năm 1964 đến 1971, kể lại:

Thuỷ thủ trên tàu không số nói chung, không bao giờ được biết có quan tài và tiền mặt trên tàu, nếu như chuyến đi nào cũng trót lọt, “thuận buồm xuôi gió”. Quan tài là những túi nilông. Trong trường hợp gặp địch, buộc phải chiến đấu, có người hy sinh, thi hài được cho vào túi đó rồi thả xuống nơi gần bờ nhất. Chỉ huy tàu liên lạc với cơ sở của ta ở vùng đó để tìm đón.

Tiền mặt (chủ yếu là tiền do chính quyền Sài Gòn phát hành) được sử dụng theo một kế hoạch chặt chẽ. Cán bộ, thủy thủ trên tàu không số không tiêu tiền. Mọi thứ thuộc về nhu yếu phẩm đều được chuẩn bị đầy đủ theo quy định trước khi tàu xuất hành. Chỉ sử dụng đến tiền trong trường hợp cán bộ, thuỷ thủ rời tàu, bước vào cuộc sống trên đất liền ở miền Nam.

Khi tàu cập bến, do phải giữ bí mật nên cán bộ, thuỷ thủ trên tàu không được trực tiếp giao dịch với mọi thành phần xung quanh. Có đồng chí ra Bắc tập kết gần chục năm, nay về lại quê hương, vẫn không được lên bờ. Có đồng chí nhìn thấy vợ trong đoàn dân công ra nhận vũ khí, đã lánh mặt. Thuỷ thủ Tống Thành Lập 20 tuổi, trên Tàu 56 chở vũ khí cập bến Lộc An (Sông Ray) thuộc tỉnh Bà Rịa đêm 22-12-1964, nhìn thấy người yêu ra bốc vũ khí mà phải lẳng lặng xuống khoang, ngậm ngùi nhìn qua cửa sổ… Trong điều kiện như thế, tiền được chuyển tới cơ sở Quân giải phóng ở bến, nhờ mua giúp lương thực, thực phẩm, thuốc men…, chờ bốc dỡ vũ khí xong thì tàu nhổ neo, ra Bắc.

Nếu tàu bị quân địch bao vây, bất khả kháng thì cấp ủy quyết định để một đồng chí chỉ huy và máy trưởng ở lại chiến đấu cho đến lúc huỷ tàu; kiên quyết không để địch bắt sống tàu. Những người khác được cấp tiền và rời tàu. Ai còn sống thì tìm cách liên lạc với Quân giải phóng. Nếu không tìm được Quân giải phóng, phải lưu lạc, thì tự mua đồ ăn, quần áo, giày dép cho phù hợp với thương gia, hoặc người dân địa phương đi nương, làm rẫy…

Quan tài và tiền trên tàu không số được cấp trên giao riêng cho đồng chí Chính trị viên - Bí thư chi bộ tàu trực tiếp nhận và bảo quản. Chính trị viên hy sinh thì cấp ủy lại giao cho một chi ủy viên khác. Nếu chi ủy viên và cán bộ tàu hy sinh hết thì một thuỷ thủ giữ. Quá trình chuyển giao việc giữ tiền theo thứ tự ưu tiên về chức vụ, uy tín, bản lĩnh… của anh em trên tàu.

Nhờ sự quản lý và tổ chức chi tiêu chặt chẽ mà trong những tình huống bất trắc, các tàu vẫn duy trì sinh hoạt bình thường. Tàu 69 cập bến Cái Bầu (Cà Mau) đêm 23 rạng 24-4-1966 nhưng do địch giăng đầy tàu chiến ở các cửa, nên gần 9 tháng sau mới nhổ neo, tiếp tục hành trình. 13 thuỷ thủ tàu 41 còn sống sau khi huỷ tàu ở bến Đức Phổ (Quảng Ngãi) rạng ngày 27-11-1966, đã dìu nhau đi về hướng tây, vẫn duy trì cuộc sống và 4 tháng sau vượt Trường Sơn trở lại miền Bắc. 5 thuỷ thủ còn sống (15 người đã hy sinh, trong đó có Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh) thuộc tàu 235 (các thủy thủ phá huỷ đêm 1-3-1968 tại biển Nha Trang) đã vượt núi băng ngàn, 6 tháng sau trở lại được miền Bắc… Và nhiều trường hợp khác nữa đã chiến đấu, hy sinh, tô thêm trang sử vàng truyền thống của Đoàn tàu không số Anh hùng.

Bài và ảnh: Phạm Xưởng