Thiếu tướng Tống Viết Trung (đứng giữa) cùng Đoàn công tác Bộ Tư lệnh 86 kiểm tra kết quả triển khai dự án Xây dựng phần mềm quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng.

Cùng với việc xác định chủ quyền lãnh thổ trên đất liền, trên không và trên biển thì mỗi quốc gia cũng xác lập vị trí, chủ quyền trên không gian mạng. Tuy nhiên, do các rào cản kỹ thuật và hệ thống pháp luật quốc tế chưa được hoàn thiện nên việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vẫn còn nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong cộng đồng quốc tế. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào? Chúng ta đã tiến hành các biện pháp gì để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng? PV Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Tống Viết Trung - Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa đồng chí, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vẫn còn là một khái niệm rất mới và khó hình dung. Theo đồng chí, chủ quyền quốc gia trên không giang mạng cần được hiểu như thế nào?

Thiếu tướng Tống Viết Trung: Cho đến nay, Liên Hợp quốc đã có nhiều nỗ lực để xây dựng một khuôn khổ pháp lý chung cho không gian mạng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên. Trong bài phát biểu tại phiên họp ngày 29-6-2021 về chủ đề không gian mạng với 15 nước tham gia, đồng chí Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam như sau: Chủ quyền và lợi ích quốc gia trên không gian mạng cần được tôn trọng một cách đầy đủ. Thứ hai là, cộng đồng quốc tế cần thiết lập một khuôn khổ quốc tế với những quy tắc chuẩn mực, ứng xử có trách nhiệm trên không gian mạng. Như vậy, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có thể hiểu là quyền của mỗi quốc gia được xây dựng, vận hành, quản lý và khai thác không gian mạng quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế và không có sự can thiệp từ bên ngoài.

PV: Theo đồng chí, vì sao cần phải xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng? Và các nước trên thế giới quan niệm về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Tống Viết Trung: Không gian mạng gắn liền với an ninh quốc phòng. Bên cạnh tính mở, tính tiện dụng đa năng của không gian mạng còn tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro. Những tội phạm mạng, tin giả, tấn công mạng đang trở thành thách thức lớn đối với mọi quốc gia. Chỉ bằng một cú nháy chuột thôi có thể làm cho giao thông cả một thành phố bị tê liệt; thị trường chứng khoán có thể sụp đổ; hay là một nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động... Điều này không còn là kịch bản của các phim viễn tưởng nữa, thực tế nó đang diễn ra.

Đứng sau các cuộc tấn công mạng, có thể là các tổ chức tin tặc, các tổ chức tình báo nước ngoài hoặc quân đội các nước. Để đối phó với thách thức này, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các nước đã hình thành các lực lượng chuyên trách hoạt động trên không gian mạng, được trang bị kỹ năng, công cụ để không những bảo vệ không gian mạng quốc gia một cách hiệu quả, mà còn sẵn sàng tấn công đáp trả tương xứng các cuộc tấn công mạng từ nước ngoài.

PV: Để bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những cách làm khác cụ thể. Ví dụ như Trung Quốc đã thiết lập không gian mạng riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng cho người dân. Về lâu dài, chúng ta cũng cần phải tính đến phương án này, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Tống Viết Trung: Internet còn là môi trường cạnh tranh và tạo sự ảnh hưởng của các quốc gia. Chính vì lý do này, các nước có tiềm năng lớn trên không gian mạng như Mỹ, Nga rồi Trung Quốc đều cố gắng tạo những ứng dụng riêng của mình. Đồng thời, tạo các rào cản kỹ thuật để ngăn chặn sự ảnh hưởng ứng dụng của các nước khác. Ví dụ như Trung Quốc thì ngăn chặn Google và Facebook, còn Mỹ  lại ngăn chặn những sản phẩm 5G của Huawei.

Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên không gian mạng trên cơ sở pháp luật Việt Nam và tuân thủ luật pháp quốc tế. Thứ hai là kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng với việc xây dựng và phát triển không gian mạng an toàn, lành mạnh và rộng khắp. Đặc biệt, với các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ các quy định pháp luật như các nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Trong đó bao gồm đăng ký cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin cá nhân, lưu trữ thông tin người dùng tại Việt Nam và kiểm soát gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định về Luật An ninh mạng... Nếu các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có các biểu hiện không tuân thủ pháp luật Việt Nam chúng ta bắt buộc phải thực hiện các biện pháp đến mức là phải ngừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

PV: Rõ ràng là mọi hoạt động trên không gian mạng không còn là thế giới ảo mà nó phản ánh thế giới thực. Cũng vì thế mà mỗi người khi tham gia vào môi trường mạng phải ý thức được trách nhiệm của mình, chứ không phải là trong không gian mạng thì có quyền tự do ngôn luận tuyệt đối. Đồng chí có quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Thiếu tướng Tống Viết Trung: Không gian mạng là phản ánh của thế giới thực và ngược lại những gì diễn ra trên không gian mạng ảnh hưởng trực tiếp đến suy nghĩ, hành động của mọi người. Một sự đưa tin không căn cứ trên mạng xã hội có thể làm tổn hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức, dẫn đến thiệt hại về uy tín cũng như về kinh tế. Một thông tin bịa đặt có thể dẫn đến một cuộc bạo loạn đẫm máu, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Do vậy, quyền tự do cá nhân trên không gian mạng là quyền tự do phải được kiểm soát. Một hành lang pháp lý chuẩn là hành lang pháp lý cân bằng được lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, lợi ích quốc gia. Có như vậy, không gian mạng mới phục vụ xã hội một cách hiệu quả và bền vững.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng Tống Viết Trung về cuộc trao đổi này.

Trường Giang (thực hiện)