Trong đợt dịch lần thứ tư, hàng chục nghìn người lao động đã rời các tỉnh phía Nam về quê, làm cho các doanh nghiệp ở khu vực này bị thiếu lao động trầm trọng.

Dịch Covid-19 bùng phát tại T.P Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc đã tạo ra một luồng dịch chuyển lao động lớn, đặt các doanh nghiệp (DN) trước thách thức thiếu lao động. Giải pháp mà người trong cuộc đưa ra trong bài viết này rất đáng chú ý.

Doanh nghiệp khốn khổ vì đơn hàng tăng, lao động không quay lại!

Tại các DN - Khu công nghiệp lớn trên toàn quốc đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Theo một khảo sát của Hiệp hội DN T.P Hồ Chí Minh đầu tháng 9 với khoảng 300 DN trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và các sản phẩm, thiên về kỹ thuật cho thấy, chỉ có khoảng 40% lao động mong muốn trở lại làm việc sau khi thành phố mở cửa.

Theo thống kế của Liên đoàn Lao động, T.P Hồ Chí Minh đang thiếu hụt lao động ở mức nặng nề, từ 30-40%. Điển hình như, Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, T.P Thủ Đức) thiếu gần 4.000 công nhân.    

Các khu công nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng chịu tình trạng tương tự, như Công ty TNHH Maxcore thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chuyên về may mặc, có 430 lao  động. Trong thời gian giãn cách, chỉ có 80 công nhận có thể đi làm được. Giờ đây, khi trở lại hoạt động bình thường, Công ty đang thiếu hơn 300 lao động.  

Điều đáng nói, theo báo cáo của các Hiệp hội DN như Dệt may, Da giày, Điện tử..., nhiều doanh nghiệp đã ký kết các đơn hàng đến hết năm 2021, thậm chí đến hết quý I-2022, cần gấp rút ổn định tổ chức sản xuất để hoàn thành kế hoạch. Khảo sát của VCCI hồi tháng 7-2021 cũng cho thấy 32,6% số DN ngành Chế biến chế tạo có kế hoạch tăng lao động trong thời gian tới. Có thể thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN khi đại dịch lắng xuống là rất lớn.

Đào tạo lao động địa phương và muôn cách hút nhân sự

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, địa phương thì các DN cũng đang nỗ lực thu hút lao động để “cấp cứu” cho DN của mình.

Ông Trần Hữu Hợi - Phó trưởng Phòng Tổ chức - Nhân sự, Công ty Nhôm Đắk Nông-TKV đưa ra mô hình đào tạo từ chính công ty của mình. Hiện tại, đơn vị có hơn 1.100 lao động đang làm việc tại các bộ phận, phân xưởng. Nhiều người trong số này là lao động ở chính địa phương, được đặt hàng đào tạo, có trình độ từ sơ cấp trở lên. Bởi Công ty luôn ưu tiên thu hút và đào tao lao động địa phương. Hằng năm, Công ty liên tục tổ chức các cuộc thi thợ giỏi, bồi dưỡng giữ bậc, nâng bậc thợ để đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng hiện đại, nhờ đó, thu nhập của người lao động có tay nghề cao cũng tăng. Vì vậy, Nhôm Đắk Nông-TKV luôn đảm bảo đủ nhân lực và “ổn” sau đợt dịch vừa qua.  

Đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai đưa ra vấn đề đào tạo lại lao động hậu Covid-19. “Đợt dịch vừa qua đã tạo một luồng dịch chuyển lao động lớn tại các địa phương. Nhiều lao động tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai, về quê ở các tỉnh Hà Tĩnh, Lâm Đồng... trong khi đó, nhiều lao động ở T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương lại trở về quê ở tỉnh chúng tôi. Sau những khó khăn vừa trải qua, nhiều người trong số họ không muốn quay lại nơi làm cũ mà muốn gắn bó với quê hương. Tuy nhiên, những ngành nghề mà doanh nghiệp cần tuyển và người lao động vừa trở về không khớp nhau. Vì vậy, hiện nay, nhu cầu đào tạo lại lao động là rất lớn. Chúng tôi cần các trường nghề và doanh nghiệp bắt tay với nhau để thực hiện việc này”.

Ông Chung Văn Phong - Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam thì cho rằng: Các Sở LĐTBXH cần sớm có phương án về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. “Trong tình hình thiếu lao động hiện nay, trước đòi hỏi về nguồn nhân lực có chất lượng, đơn vị đã trực tiếp đào tạo nghề cho các học viên có trình độ từ sơ cấp trở lên. Sau khi đào tạo, những học viên sẽ bổ sung vào nguồn lao động có trình độ, tay nghề của thị trường lao động của địa phương. Một phần khác sẽ được nhà trường liên kết, giới thiệu đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh với thu nhập ổn định” - ông Phong cho biết.

Trong khi đó, ông Trần Việt Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp T.P Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu Thái Sơn cho biết: “Người lao động đang thiếu một kênh thông tin việc làm uy tín, kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động ở từng địa phương. Về lâu dài, để việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động đạt hiệu quả cao nhất thì đòi hỏi công tác dự báo và kết nối cung - cầu phải nhanh chóng, chính xác nhất. Khi làm tốt công tác này sẽ bảo đảm cho các học viên đã qua đào tạo có cơ hội tìm kiếm việc làm; có sự điều chỉnh về chính sách nhân sự của các trung tâm đào tạo nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề dành cho lao động nông thôn”.

TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng: Để khắc phục tình trạng thiếu lao động hiện nay, các DN cần kết nối với tổ chức công đoàn, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động để phối hợp thông tin về sự bảo đảm an toàn sức khoẻ cũng như cam kết của DN và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình và con em của họ an tâm. “Thông qua mạng xã hội, điện thoại… DN cần gửi thư kêu gọi, công bố và thực hiện tốt các chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, phúc lợi, an toàn vệ sinh lao động; có chính sách khuyến khích đặc biệt cho người lao động gắn bó lâu dài với DN, đồng thời phối hợp để tổ chức đón người lao động trở lại làm việc. Ngoài ra, DN cần đầu tư, kiện toàn đầy đủ nhân lực, thiết bị của bộ phận y tế, bộ phận phụ trách an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; cải tạo, nâng cấp để cải thiện môi trường làm việc, nơi sinh hoạt của người lao động được tốt hơn. Qua đó, tạo sự an tâm cho người lao động, nâng cao sự ứng phó của DN trước các diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch…” - ông Tiến chia sẻ.

Từ hiệu quả trong đào tạo, đào tạo lại người lao động ở cơ sở khá hiệu quả vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án: Đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại DN (500.000 học sinh, sinh viên cơ bản, năm 1, năm 2; 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo, năm 2, năm 3 vào làm việc ngay. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại DN; tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp - học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại DN để đảm bảo nâng cao tay nghề.

Phạm Hoài Phi