Các thành viên lực lượng Taliban trong dinh Tổng thống Afghanistan ở Kabul ngày 15-8.

Vậy là kết cục Taliban quay lại nắm quyền ở Afghanistan đã đến, nhưng nó đến quá nhanh, nhanh đến nỗi Washington trở tay không kịp. Ngày 15-8, quân Taliban tiến vào thủ đô Kabul gần như không vấp phải kháng cự nào của quân Chính phủ, Tổng thống Afghanistan bỏ chạy. Taliban đã nắm quyền kiểm soát Afghanistan.

Những diễn biến bất ngờ xảy ra tới tấp ở Afghanistan khiến người ta bàn tới chuyện bên thắng, bên thua, trách nhiệm của ai. Thế nhưng, đó là việc còn phải bàn thảo lâu dài khi có những thông tin đầy đủ. Câu hỏi trước mắt là tương lai nào sẽ đến với Afghanistan?

Tình hình chuyển biến mau lẹ khiến không chỉ Kabul loay hoay định vị tương lai của mình trong đời sống quốc tế, chính Liên Hợp quốc (LHQ), các tổ chức quốc tế và các quốc gia can dự vào Afghanistan trong nhiều năm qua hay có lợi ích ở đây cũng đang phân vân khi đứng trước nga ba đường.

Tổng Thư ký LHQ - Antonio Guterres cho rằng: Chỉ có thể dựa trên mong muốn của Taliban về việc được cộng đồng quốc tế công nhận để yêu cầu lực lượng này phải thành lập chính phủ mang tính bao trùm và tôn trọng các quyền cơ bản của con người, nhất là đối với phụ nữ, ở Afghanistan. Phát biểu với báo giới ngày 19-8, Tổng Thư ký Guterres cho biết: Ông đã thảo luận vấn đề này với các nước ủy viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) trong cuộc họp kín ngày 16-8 vừa qua nhằm kêu gọi HĐBA cần duy trì sự đoàn kết. Ông bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Taliban khi biết rõ sẽ đối thoại với ai và với mục đích gì. Hiện các quan chức của LHQ tại thủ đô Kabul của Afghanistan đang duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Taliban.

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là cộng đồng quốc tế cần đoàn kết để các nước ủy viên HĐBA cũng đoàn kết, tận dụng "lực đẩy duy nhất" hiện nay đó là mong muốn của Taliban được cộng đồng quốc tế công nhận. Việc hình thành một mặt trận thống nhất có thể thúc đẩy Taliban thành lập một chính phủ mang tính bao trùm, tôn trọng nhân quyền, duy trì việc sơ tán cũng như tránh để Afghanistan trở thành "nơi trú ẩn an toàn" của khủng bố.

Như vậy, có thể thấy con đường về chính trị, muốn được thế giới công nhận tính chính danh mục tiêu đầu tiên của Taliban, xuất phát điểm bị Mỹ liệt vào nhóm các tổ chức khủng bố. Thế rồi, chính Mỹ lại chọn cách đàm phán với Taliban để một lần nữa trong lịch sử dùng cụm từ “hoà bình trong danh dự”, hoàn thành mục tiêu rút hết quân khỏi Afghanistan trước 11-9-2021. Mỹ đã hoàn thành mục đích của mình, để lại một Afghanistan tan hoang hơn so với thời điểm Mỹ đưa quân đến quốc gia Tây Nam Á này 20 năm trước. Vậy nên, Tổng thống Mỹ - Joe Biden mới phát biểu: Lính Mỹ không thể và không nên chiến đấu trong một cuộc chiến, chết trong một cuộc chiến mà chính các lực lượng của Afghanistan không muốn chiến đấu cho chính mình. Có thể thấy, mọi công sức, tiền của mà Mỹ đổ vào Afghanistan đã thành vô ích.

Ngã rẽ nữa mà Taliban có thể lựa chọn là tìm kiếm đồng minh, một hay nhiều quốc gia thừa nhận mình để rồi hợp tác, củng cố sức mạnh, khôi phục quyền kiểm soát một nhà nước theo luật Hồi giáo. Hai tuần trước khi tiến quân vào Kabul, đại diện của Taliban đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Trung Quốc - Vương Nghị. Việc Trung Quốc can dự vào tình hình ở Afghanistan thế nào chưa rõ nhưng không tự nhiên để có cuộc gặp này trong khi Trung Quốc lại là một thành viên Thường trực của HĐBA LHQ.

Dù chọn con đường nào thì Taliban cũng phải đối mặt với một Afghanistan hỗn loạn, đổ nát với những thách thức trầm trọng hơn về kinh tế - xã hội. Viện Nghiên cứu chiến lược Afghanistan đề nghị LHQ thay đổi cách tiếp cận thông thường nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Afghanistan, đồng thời cho rằng thủ đô Kabul cần được lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ bảo vệ. Như vậy, rõ ràng Afghanistan đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Cuộc khủng hoảng này còn trở nên trầm trọng hơn bởi thời tiết khắc nghiệt và đại dịch Covid-19. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) ước tính hiện có khoảng 12,2 triệu người dân nước này không được đảm bảo an ninh lương thực. Số người bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng tăng 16%, tương đương 900.000 người và trong khi số trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính ở mức vừa tăng 11%, lên 3,1 triệu trẻ.

Trong khi đó, các Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết trong việc ứng phó khủng hoảng tại Afghanistan.

Như vậy, dù có thừa nhận chính thể do Taliban nắm quyền hay không thì nẻo đường trước mắt vẫn phải bảo đảm sức khoẻ, cuộc sống của người dân nơi đây, nạn nhân của chiến tranh dai dẳng hàng chục năm qua. Afghanistan, LHQ và các nước can dự vào quốc gia này sẽ chọn đường nào?

Thanh Huyền