Vườn tượng nơi thờ 12 vị sư đã anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh tại chùa Cổ Lễ.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến: “… Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam, thì phải đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu Tổ quốc…”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, ngày 27-2-1947, tại chùa Cổ Lễ, Nam Định, 27 nhà sư đã tổ chức lễ “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” mở đầu cho phong trào tăng ni, Phật tử tham gia kháng chiến. Chùa Cổ Lễ (Thần Quang Tự) thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, cách T.P Nam Định 15 km; được xây dựng từ thế kỷ XII, thời Lý Thần Tôn; thờ Phật và Đức Thánh Tổ - Nguyễn Minh Không (Không Lộ thiền sư).

Cuối năm 1946, cùng một lúc, thực dân Pháp cho lính dù, lính thủy và bộ binh gây hấn Nam Định, đánh chiếm nhiều nơi gần chùa Cổ Lễ. Chúng bắt ép nhà sư lên núi, gây phẫn uất trong nhân dân và tăng ni, phật tử. Mùa xuân năm 1947, Hoà thượng Thích Thế Long - sư trụ trì chùa Cổ Lễ đã vận động tập hợp được 27 nhà sư hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, gia nhập Vệ Quốc đoàn, tham gia kháng chiến. 27 nhà sư đều là những người yêu nước, quê ở Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An…, đang tu hành ở một số chùa trong vùng, như chùa La Xá, Gia Hòa, La Ngạn, Vân Khâu… Có vị là Đại đức, có vị là hình đồng (chú tiểu Thích Chấn Hưng), có vị là ni cô (Đàm Lân, Đàm Nhung)…

Sáng ngày 27-2-1947, tại chùa Cổ Lễ, Hòa thượng Thích Thế Long tổ chức lễ phát nguyện cho 27 nhà sư “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận”. Sáng hôm đó, trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân địa phương, 27 nhà sư khoác áo cà sa, chân đất đầu trần, tay cầm mũ vải, xếp hàng ba, lắng nghe Hòa thượng Thích Thế Long đọc lời khai mạc, ra lời hiệu triệu. Tiếp đó, ni cô Thích Đàm Nhung (có tài liệu viết là Đại đức Thích Pháp Lữ) trịnh trọng đọc lời phát nguyện:

Cởi áo cà sa khoác chiến bào

Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao

Ra đi quyết rửa thù cứu nước

Vì nghĩa quên thân hiến máu đào.

Kết thúc buổi lễ, các nhà sư làm thủ tục cởi áo cà sa gửi lại nhà chùa, mặc trang phục Vệ quốc đoàn, đội mũ vải có ngôi sao vàng, chính thức trở thành một trung đội Vệ quốc quân và được gọi là Trung đội Phật tử.

Sau lễ phát nguyện, 27 nhà sư được các đơn vị bộ đội tiếp nhận huấn luyện và giao nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ thành Nam Định, chùa Non Nước. Trong hai ni sư, thì Thích Đàm Nhung được bố trí làm cứu thương. Trung đội Phật tử khi mới thành lập đã góp phần cùng lực lượng vũ trang Chiến khu II (tiêu biểu là Trung đoàn 34 Tất Thắng) và quân dân Nam Định chiến đấu giam chân địch, giữ được T.P Nam Định trong 83 ngày đêm.

Qua một số tư liệu lịch sử và tư liệu do Đại tá CCB Đinh Thế Hinh (Đại đức Thích Pháp Lữ), CCB Nguyễn Thị Vạng (ni cô Đàm Nhung) cung cấp, thì 27 nhà sư đã trực tiếp ra trận cả trong kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống đế quốc Mỹ. 12 trong số 27 nhà sư đã chiến đấu và hy sinh anh dũng, mà đến nay vẫn chưa biết thế danh, như: Thích Thanh Tịnh, Thích Đức Hiền, Thích Thiện Nhân, Thích Chân Tâm…;  có người quay lại nghiệp tu hành, giữ trọng trách trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, như Thích Đàm Cần… Có nhiều người ở lại phục vụ Quân đội lâu dài và phát triển theo đường binh nghiệp, như: Thích Tường Minh, Thích Tâm Trinh, Thích Thanh Hải, Thích Pháp Lữ… Với CCB Đinh Thế Hinh (Thích Pháp Lữ) những năm 1950-1951, ông được phân công làm Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền, luồn sâu hoạt động ở vùng Công giáo Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Đinh Thế Hinh là bộ đội Trường Sơn; trước khi nghỉ hưu, ông là Đại tá, Chính ủy Trung đoàn 542.

Với chùa Cổ Lễ, thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là nơi cán bộ địa phương và các đơn vị quân đội họp bàn cách đánh địch; là nơi nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320), Đại đội 91 Nam Định và Đại đội 75 bộ đội địa phương huyện Trực Ninh… Tiếp nối truyền thống “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, sang thời kỳ chống Mỹ, chùa Cổ Lễ còn tổ chức cho 8 nhà sư gia nhập quân đội, tham gia chiến đấu trên các chiến trường.

Để tưởng nhớ, tôn vinh 12 nhà sư đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, năm 1999, các Đại đức, ni cô nhập ngũ ngày 27-2-1947, còn sống: Thích Tường Minh, Thích Trí Không, Thích Pháp Lữ, Thích Thanh Hải, Thích Tâm Trinh, Thích Đàm Nhung … cùng Đại đức Thích Tâm Vượng - Giám viên chùa Cổ Lễ đương nhiệm, đã tổ chức lập bia “Nghĩa sĩ Phật tử” ghi lại sự kiện 27-2-1947 và cho lập vườn tượng (dựng tượng 12 nhà sư - liệt sĩ) trong khuôn viên nhà chùa. Đây là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và mang ý nghĩa văn hóa tâm linh sâu sắc.

Phong trào tăng ni Phật tử tham gia kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, và sự kiện 27 nhà sư chùa cổ Lễ “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” là dấu ấn đặc biệt, có ý nghĩa sâu sắc trong lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Viêt Nam nói riêng. Đó là minh chứng sống động của Tôn giáo đồng hành cùng Dân tộc; của ý Đảng hợp lòng dân.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn ra quyết liệt ở T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ hiện nay, phong trào “Tăng ni cởi áo cà sa, khoác áo blouse” xông pha nơi tuyến đầu chống dịch là tiếp nối truyền thống “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào” năm xưa!

Duy Nguyễn