Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và huấn thị tại Hội nghị cán bộ của lực lượng Công an nhân dân, ngày 29-4-1963.

Báo tháng 8 - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra và giành thắng lợi trong cả nuớc chỉ trong vòng hai tuần. Có được điều kỳ diệu đó chính là nhờ trong quá trình chuẩn bị , tạo thế, tạo lực, Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh mà đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lấy “tâm” khơi dậy, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Trong quá trình chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, trên cơ sở phân tích một cách khoa học và đánh giá cao mối quan hệ giữa cách mạng Đông Dương với cuộc chiến tranh của các nước Đồng minh chống Phát-xít; Bác Hồ và Đảng ta luôn coi trọng cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố chủ quan có ý nghĩa quyết định nhất. Mà yếu tố chủ quan, mạnh hay yếu là hoàn toàn phụ thuộc vào trạng thái tinh thần của xã hội. Trạng thái tinh thần đó được xuất phát từ đức tin “người cầm lái”.

Đúng như trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương đã dự kiến: “Nếu tình thế chuyển biến thuận lợi thì dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc Tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”.

Đánh giá tình hình cách mạng Đông Dương lúc này, Đảng cho rằng “những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi; nhưng những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”.

Vào thời điểm đó, trước thời cơ ngàn năm có một để phát động một cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Lãnh tụ Hồ Chí Minh mặc dù lúc này đang ốm nặng nằm trong rừng sâu ATK Việt Bắc, nhưng đã cố gượng dậy căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Nghĩa là, theo Người phải động viên đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của mọi tầng lớp, không phân biệt giai cấp, đảng phái; dựa chủ yếu vào lực lượng chính trị quần chúng tiến hành Tổng khởi nghĩa

Để huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã liên minh tất cả các lực lượng của các giai cấp, các đảng phái, các nhóm cách mạng cứu nước, các tôn giáo, các dân tộc nhằm hướng vào mục tiêu hàng đầu là giải phóng các dân tộc Đông Dương khỏi ách thống trị của Nhật - Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập để nhân dân được sống trong tự do, độc lập. Với thế giới, chúng ta chủ trương tranh thủ mọi nguồn lực và sẵn sàng bắt tay, hợp tác với bất cứ lực lượng nào miễn là có lợi cho cách mạng và không làm tổn hại lợi ích quốc gia dân tộc. Sự có mặt của Đội "Con Nai" và lực lượng bộ đội Việt - Mỹ trong Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy rõ điều đó.

Mặt trận Việt Minh ra đời (5-1941) có một hệ thống tổ chức từ cơ sở (làng, xã) đến tổng, huyện, thành, tỉnh, Trung ương, trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng rộng rãi đấu tranh đánh đuổi phát xít Nhật và Thực dân Pháp, giành độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Có thể nói đây là một cuộc biểu dương lực lượng lớn chưa từng thấy trong lịch sử. Tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa, không chỉ có lực lượng của giai cấp công nông, mà còn có lực lượng trí thức, công chức, học sinh... và cả binh lính và một số quan chức trong bộ máy chính quyền tay sai được Đảng, Lãnh tụ Hồ Chí Minh và các tổ chức Việt Mnh giác ngộ, cảm hóa, thức tỉnh.

Thời điểm đó, Đảng ta chỉ có 5 nghìn đảng viên, lại phải hoạt động trong sự khủng bố đàn áp gắt gao của kẻ địch, nhưng chính tinh thần trung kiên, một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, kiên trì đấu tranh và đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết đã trở thành “đức tin” đảm bảo trước các tầng lớp nhân dân.

Chính vì thế mà, cho dù nhận thức chính trị và lập trường của một bộ phận quần chúng lúc bấy giờ có thể còn có sự khác nhau, nhưng họ nhận thấy đây là tổ chức quy tụ những người dám làm, dám hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân. Sau nhiều "chiêm nghiệm", họ đã tìm được "minh chủ" cho mình trong cuộc đấu tranh mưu tìm độc lập, tự do và hạnh phúc.

Với một sự "tín tâm" và quyết tâm cao độ, trong cuộc hội tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã xuất hiện khá nhiều gương mặt trí thức nổi tiếng đã được "Việt Minh hóa". Họ trưởng thành từ trong Phong trào truyền bá Quốc ngữ được Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra năm 1938; từ các tổ chức như: Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu ở Hà Nội; Trường quân sự Thanh niên tiền tuyến ở Huế - một ngôi trường do Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập..., hay từ tổ chức Thanh niên Tiền Phong được Nhật cho phép thành lập ở Sài Gòn... Những cái tên như: Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Phan Tử Lăng, Cao Pha, Phan Hàm, Võ Lương, Lê Thiệu Huy, Lê Khánh Khang... (Thanh niên tiền tuyến Huế); Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng...(Thanh niên Tiền phong) trở thành những hạt nhân nòng cốt trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương trong cả nước.

Với một tinh thần dân tộc và lòng yêu nước cao độ, họ đến với cách mạng không chỉ bằng quyết tâm đánh đuổi giặc Nhật-Pháp mà chính là bằng sự "tín tâm" - niềm tin vào sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, vào sự chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong cuộc cách mạng vĩ đại này, chính quần chúng công - nông là lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh áp đảo kẻ thù. Chỉ riêng tại một trong ba trung tâm của cuộc Tổng khởi nghĩa là Hà Nội đã có 350 nghìn người tham gia, trong đó có nhiều đoàn người từ ngoại thành và các vùng quê lân cận kéo vào gia nhập lực lượng trong nội thành.

Ngay sau khi Cách mạng thành công, nhiều nhân sĩ, trí thức có “tâm” và có “tài” đã được mời tham gia vào bộ máy chính quyền “điều hành thật” đất nước. Trong số đó có cả Cựu hoàng Bảo Đại (Cố vấn Vĩnh Thụy), có người ngoài Đảng, người từng phục vụ trong chế độ cũ...

76 năm đã trôi qua, nhưng những bài học từ Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 - nhất là bài học lấy đức tin “minh chủ” mà huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.

PGS.TS Trần Ngọc Long