Tới Làng Hữu Nghị Việt Nam, trực thuộc T.Ư Hội CCB Việt Nam - nơi nuôi dưỡng, điều dưỡng, chữa trị, phục hồi chức năng cho CCB và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin (CĐDC), không ai có thể cầm lòng được khi chứng kiến nỗi đau chiến tranh vẫn đang hiện hữu sau 60 năm kể từ ngày 10-8-1961 - “ngày thứ năm đen tối” Mỹ đã phun rải chất kịch độc, được ngụy trang bằng tên gọi “chất diệt cỏ, khai quang”, xuống miền Nam nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh hóa học dài ngày nhất, có quy mô lớn nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Ở đây có những cháu bé là thế hệ thứ ba, thứ tư bị ảnh hưởng di chứng CĐDC. Được đón về Làng Hữu Nghị từ nhiều địa phương khác nhau, nhờ tình thương, sự kiên trì, bền bỉ của các mẹ, các thầy cô giáo, nhiều cháu từ chỗ không biết tự chăm sóc bản thân, không kiểm soát được ý thức nay đã biết đọc, biết viết, được học nghề phù hợp với khả năng. Trong 21 năm qua, mỗi năm Làng Hữu Nghị Việt Nam đón 540 CCB, cựu TNXP thuộc 36 tỉnh, thành từ Thừa Thiên - Huế trở ra đến điều dưỡng tại Làng; nuôi dưỡng, giáo dục đặc biệt, hướng nghiệp, chữa trị bệnh tật, phục hồi chức năng và giúp khoảng 700 trẻ em bị ảnh hưởng CĐDC hòa nhập cộng đồng.

Nhìn chung, đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân CĐDC còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Đa số hộ nạn nhân CĐDC thuộc hộ nghèo (tỷ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50-60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Có thể nói: “Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin nhấn mạnh: “Nhiều nạn nhân CĐDC đang phải vật lộn, đau đớn vì bệnh tật hằng ngày, hằng giờ. Hơn nữa đặc thù của bệnh do CĐDC gây ra rất khó chữa trị... Nỗi đau ấy đẩy các nạn nhân vào hoàn cảnh cùng cực, để lại di chứng qua nhiều thế hệ. Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đã có nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các nạn nhân CĐDC ở Việt Nam để phần nào chia sẻ, xoa dịu nỗi đau của họ”.

Theo thống kê của VAVA, hiện nay cả nước còn khoảng 100.000 trường hợp người tham gia kháng chiến chưa được hưởng các chính sách về nhiễm CĐDC do bị thất lạc giấy tờ, xác định cụ thể loại bệnh… Đặc biệt là thế hệ thứ ba, hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, nhưng đối tượng này chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội, không có điều kiện để chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng. Việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách, chế độ quy định và hướng dẫn thực hiện ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ.

Nhiều năm qua, Hội CCB Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) phối hợp hoạt động hiệu quả trong bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hội viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên thông tin, trao đổi, nắm chắc quan điểm, chế độ chính sách đối với CCB - nạn nhân CĐDC, nắm chắc số người hoạt động kháng chiến trong khu vực Mỹ rải chất độc hóa học và con đẻ của họ bị di nhiễm có đủ điều kiện hưởng chế độ để giúp đỡ họ về hồ sơ, giám định bệnh tật, không để trường hợp nào đúng, đủ tiêu chuẩn không được hưởng trợ cấp của Nhà nước; phối hợp vận động toàn xã hội chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, giúp nạn nhân đấu tranh đòi công lý… Tại nhiều địa phương, 100% số tổ chức Hội CCB các cấp có cán bộ tham gia BCH Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cùng cấp. Hai Hội động viên hội viên tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, vận động các nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ học chữ, dạy nghề, khám chữa bệnh cho nạn nhân và con, cháu người hoạt động kháng chiến bị nhiễm và nghi nhiễm CĐDC; thực hiện tốt công tác vay vốn Ngân hàng CSXH giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo... Ngoài ra, hai Hội phối hợp lựa chọn, tổ chức đưa đón, tặng quà nạn nhân CĐDC đi điều dưỡng tại Làng Hữu Nghị Việt Nam theo kế hoạch phân bổ của T.Ư Hội CCB Việt Nam.

Tại tỉnh Quảng Ninh, hai Hội thực hiện nhân rộng mô hình của Hội CCB T.P Uông Bí phát động, vận động mỗi hội viên CCB ủng hộ từ 1.000-2.000 đồng/tháng, mỗi hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin ủng hộ từ 5.000-10.000 đồng/năm để tặng thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân hội viên là nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ xây Nhà tình nghĩa cho nạn nhân da cam.

Tỉnh Quảng Ngãi có số nạn nhân CĐDC lớn, chiếm 67,9 % dân số. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.814 người là hội viên của cả hai Hội. Nhờ công tác phối hợp chặt chẽ, hai Hội đề nghị chính quyền và các ngành chức năng xem xét, giải quyết chế độ chính sách cho hơn 4.360 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐDC và các đối tượng thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3; trong đó có 818 người là CCB và con cháu của họ.

Để nâng cao chất lượng phối hợp công tác giữa hai bên, Hội CCB Việt Nam  và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam vừa ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2026, phát huy truyền thống “Tương thân tương ái”, “Giúp đồng đội cũng chính là giúp mình” cùng chung tay khắc phục hậu quả của thảm họa da cam/dioxin.

Hồ Thanh Hương

Mẹ Nguyễn Thị Hiền hướng dẫn các con học làm vòng.