Bộ đội Hóa học dùng xe phun khử khuẩn đường phố Đà Nẵng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Quân đội huy động số lượng lớn các loại xe - máy chuyên dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn, đưa người đến các khu cách ly và vận chuyển vắc-xin đến các nơi tiêm chủng… Sáu tháng đầu năm 2021, toàn quân huy động gần 5.000 xe vận chuyển trên quãng đường gần 8 triệu ki-lô-mét đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ bảo đảm xe - máy trong toàn quân, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Văn Khánh - Phó Cục trưởng Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa đồng chí, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhu cầu vận chuyển và nhất là việc sử dụng xe chuyên dùng rất lớn. Trước tình hình đó, việc bảo đảm xe - máy thực hiện nhiệm vụ cho các đơn vị trong toàn quân đã được thực hiện như thế nào?

Đại tá Nguyễn Văn Khánh: Ngay khi mới xảy ra dịch Covid-19 ở các địa phương, các loại xe - máy chuyên dùng như xe khử khuẩn đã tham gia phun thuốc tẩy trùng ở các khu vực xảy ra dịch bệnh. Thứ hai, là vận chuyển bệnh nhân về các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly. Thứ ba, là vận chuyển các đối tượng phải đi cách ly khi nhập cảnh ở các sân bay. Như sân bay Vân Đồn thì do Quân khu 3 thực hiện, sân bay Nội Bài thì do Bộ Tư lệnh Thủ đô, sân bay Đà Nẵng thì Quân khu 5, sân bay Tân Sơn Nhất thì là Quân khu 7… Số lượng xe - máy huy động cho các nhiệm vụ này lên đến hàng nghìn xe, chủng loại cũng đa dạng, như xe ca, xe khử khuẩn, xe cứu thương, xe xét nghiệm và xe vận chuyển, tiêm vắc xin.

Với những phương tiện kể trên, chúng tôi đã chỉ đạo ngành xe - máy của các đơn vị tăng cường kiểm tra, bảo đảm cho tất cả các phương tiện phải có tình trạng kỹ thuật tốt nhất. Phải có phương án dự phòng để giải quyết vấn đề phát sinh. Lái xe phải được huấn luyện các biện pháp phòng, chống dịch và cũng phải có các phương án dự phòng cho cả lái xe. Đề phòng trường hợp các đồng chí lái xe bị lây nhiễm, hoặc khi có trường hợp đột xuất, lái xe phải làm việc liên tục, căng thẳng thì cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Như vậy, tất cả các phương án, từ con người đến phương tiện cũng như tổ chức hành quân phải được chuẩn bị kỹ càng để thực hiện nhiệm vụ được trôi chảy, an toàn tuyệt đối.

PV: Được biết, vừa qua Cục Xe - Máy đã thành lập các tổ sửa chữa cơ động, đồng chí có thể cho biết rõ hơn về nhiệm vụ của các tổ này?

Đại tá Nguyễn Văn Khánh: Thực tế thì do lực lượng, phương tiện xe ô tô hoạt động rất nhiều nên việc hư hỏng xe ô tô dọc đường là khó có thể tránh khỏi. Khi xe chở các F0, F1 đi cách ly bị hỏng mà huy động các lực lượng đến sửa chữa không phải là đơn giản. Cho nên chúng tôi tổ chức ra các tổ bảo đảm kỹ thuật. Tổ có từ 3 đến 5 người, với những trang thiết bị kỹ thuật tối thiểu, sẵn sàng cơ động đến để chủ động giải quyết những hư hỏng thông thường dọc đường hành quân. Còn với những xe hỏng nặng thì chúng tôi có phương án thay thế xe. Tất cả đều được xác định trong kế hoạch.

PV: Với một số loại xe chuyên dùng cho phòng chống dịch của Bộ Y tế giao cho Quân đội sử dụng thì Cục Xe - Máy có phương án tiếp nhận và sử dụng như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Khánh: Hiện nay Cục đang thực hiện việc bàn giao cho các Quân khu. Theo nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng thì ở các Quân khu có kho tiếp nhận vắc-xin, thì những xe này trước mắt là phục vụ chuyên chở vắc-xin đến các địa điểm để tiêm chủng, bảo đảm mỗi tỉnh một xe. Bên cạnh đó, Quân đội cũng huy động rất nhiều xe cho việc vận chuyển vắc-xin từ sân bay về đến các quân khu, sau đó lực lượng vận tải cấp chiến dịch sẽ vận chuyển đến các địa điểm tiêm chủng. Làm sao để bảo đảm cho chính xác, kịp thời, đáp ứng việc sử dụng vắc-xin theo đúng quy chuẩn của Bộ Y tế.

PV: Vậy Cục Xe máy có biện pháp gì để bảo đảm an toàn cho các xe chuyên dùng trong quá trình cơ động, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Văn Khánh: Thứ nhất, Cục bảo đảm cho những xe này lưu thông trên đường. Vì là xe chưa có biển số, xe của Công ty Trưởng Hải sẽ sử dụng biển số tạm thời của quân đội ban hành. Thứ hai, bảo đảm kiểm định, quân đội sẽ tổ chức kiểm định. Thứ ba, chúng tôi làm việc với Tổng cục Đường bộ để bảo đảm cho các xe này lưu thông qua các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc là hoàn toàn được miễn phí. Thứ tư, chúng tôi phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông hỗ trợ cho các xe thực hiện nhiệm vụ phòng chống Covid được lưu thông nhanh nhất, bảo đảm an toàn nhất.

PV: Xin cảm ơn Đại tá Nguyễn Văn Khánh về cuộc trao đổi này.

Trường Giang (thực hiện)

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ)