Thương bình Nguyễn Trung Vãn (bên trái).

Tôi và Nguyễn Trung Vãn biết nhau ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Cả hai đều là bệnh nhân. Rồi từ ấy hai chúng tôi trở thành bạn thân của nhau cho đến nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm” mà vẫn quấn quýt; buồn, vui có nhau...

Không biết Vãn có học được gì ở tôi không. Nhưng tôi thì học được ở Vãn nhiều điều lắm - Đặc biệt là nghị lực vượt khó vươn lên...

Vãn là thương binh, mổ cột sống tháng 2-2019 tại Quân y viện 108 với những vết thương “thừa chết thiếu sống”, sau đó Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chuyển Vãn sang Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô điều trị tiếp cột sống sau đại phẫu. Và Vãn trở thành “tấm gương nghị lực phi thường” của anh em bệnh nhân chúng tôi. Ai cũng bảo “Đúng là Bộ đội Cụ Hồ”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo ở thôn Ngọc Lâu, xã Cẩm Hoàng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, nhưng Vãn lại là học sinh giỏi và cần cù của Trường cấp 3 Hồng Quang, Hải Dương - Trường gồm học sinh của 6 tỉnh quanh khu vực, như Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Kiến An, Bắc Ninh... Các ông Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Túc, Phạm Trong Hoài... là những con chim đầu đàn thuộc Khoá I của trường; còn Nguyễn Đình Bin - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao là lứa sau, tốt nghiệp năm 1963...

Năm 1965, tốt nghiệp cấp III, Vãn là một trong hai học sinh duy nhất của trường được chọn đi học nước ngoài (một học sinh nữa là con của Lãnh đạo Ty Giáo dục tỉnh Hải Dương khi ấy).

Nhưng cũng năm ấy, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc theo Lệnh Tổng động viên chống Mỹ, Nguyễn Trung Vãn đã gác lại “việc du học” tình nguyện nhập ngũ và trở thành nhóm chiến sĩ lái xe cơ giới đầu tiên mở đường 20 Quyết Thắng, thuộc đơn vị Anh hùng của Đoàn 559, vận tải trên quãng đường Trường Sơn, Phong Nha - Lùm Bùm dài 140km trọng điểm của máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất, với khẩu hiệu mở đường là “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”.

Một buổi tối cuối tháng 11-1965, Vãn nhận được lệnh của Phòng Quân lực, Đoàn 559: “Lên gặp Tư lệnh”. Thật là bất ngờ với Vãn. Chưa bao giờ Vãn nghĩ mình được gặp Tư lệnh... Anh lo nhiều hơn. Chỉ đến khi được Tư lệnh Phan Trọng Tuệ ân cần hỏi: “Đồng chí là Nguyễn Trung Vãn, quê ở Hải Dương...?”, Vãn mới đỡ hồi hộp.

Tư lệnh Phạn Trọng Tuệ thông báo: “Đồng chí có giấy gọi đi học nước ngoài. Tỉnh đề nghị cho đồng chí ra quân về đi học. Đơn vị đồng ý...”.

Ngay sau khi Tư lệnh dừng lời, Vãn nói: “Báo cáo Thủ trưởng, tôi muốn ở lại quân đội, vì đã nhận xe để đi chiến đấu”. Tư lệnh trìu mến, ân cần nói với Vãn như nói với người thân: “Đi học lúc này cũng là một nhiệm vụ...”. “Tôi xin Tư lệnh cho tôi ở lại” - Vãn khẩn khoản nói. Trước quyết tâm của Vãn, Tư lệnh đồng ý (cũng tháng 11-1965, gia đình Vãn ở quê đã nhận được Giấy báo tuyển sinh của Trường Đại học Giao thông Vận tải, Khoa Chế tạo ô tô).

Thế là từ ấy, ngày nối đêm, đêm nối ngày, trên chiếc xe ô tô Zin 157, Nguyễn Trung Vãn cùng đồng đội chở chiếc máy nghiền đá đi Quảng Bình để mở Đường 20 Quyết Thắng (máy nghiền đá của Liên Xô, nặng 3,5 tấn). Từ tháng 12-1965, tại Phong Nha, nơi km số 0, có biển đề: “Đường 20 Quyết Thắng” - Đường giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 6-1967 đang vận chuyển lương thực trên đường (qua ngã ba Đồng Lộc), Khe Giao, Hà Tĩnh, anh bị máy bay Mỹ bắn bị thương. Vết thương sau 2 tháng vừa được điều trị lành, anh tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ. Đến ngày 2-1-1968 đang lái xe trên đường ở Khe Tang, Thanh Lạng, Quảng Bình thì Vãn lại bị máy bay Mỹ bắn rốc két trúng đầu xe. Một mảnh đạn cắm vào đuôi mắt trái, vỡ xương thái dương, một mảnh đạn khác xuyên qua chân phải. Anh đau tê dại, lăn xuống sàn xe ngất đi... Lúc tỉnh dậy, Vãn mới biết, mình được đơn vị bạn đưa về Viện Quân y 46, Quân khu 4, cấp cứu. Cũng vì thế mà sau đó đơn vị tìm chỉ thấy xe bị trúng đạn địch, mà không thấy Vãn, nên nghĩ là Vãn đã hy sinh, mới báo tử về địa phương.

Sau 5 tháng điều trị, ở Quân y viện 46 (Hà Tĩnh), rồi đến Quân y viện 4 (Nghệ An), vết thương đã ổn định, nhưng mắt trái Vãn thì bị hỏng hẳn. Viện quân y chuyển anh về Đoàn an dưỡng 251 Thái Bình, thuộc Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân khu 3). Không còn đủ sức khỏe phục vụ trong quân đội, tháng 2-1969, Vãn thuộc diện được chuyển ngành về quê - Trại thương binh tỉnh Hải Hưng và được điều động về công tác tăng cưởng Ban Tổ chức - Chính quyền tỉnh, đảm nhận việc tuyển sinh.

Hôm đeo ba lô vừa về đến đầu làng, thì mọi người chạy ùa cả tới, vây quanh anh, vẫn không tin vào mắt mình, vì ai cũng nghĩ là Vãn đã hy sinh! Bố anh đứng sững lại, một lúc sau mới ôm lấy anh thật chặt. Nghe tin anh còn sống trở về, mẹ anh đang đun bếp, bỏ chạy ra đón con, lửa bùng cháy to, may có mấy người vội chạy vào dập được.

Anh về nhà mới được 2 ngày, thì người mà anh yêu từ trước khi nhập ngũ cũng vội đến. Chị đã chờ anh đằng đẵng suốt 4 năm. Cho đến khi biết tin anh hy sinh mới đi lấy chồng. Hiểu thấu được suy nghĩ và tình cảm của chị, anh ôn tồn an ủi, động viên và chúc cho chị có một gia đình hạnh phúc.

Cũng trong năm 1969, Vãn tranh thủ thời gian ôn thi vào Trường Đại học Ngoại thương. Thật bất ngờ, anh đỗ thủ khoa. Năm 1972, anh được Trường cử sang Cu Ba học tiếng Pháp, nhưng lại báo hoãn ví những lý do của nước bạn. Tốt nghiệp, được giữ lại giảng dạy ở Trường Đại học Ngoại thương. Năm 1986, anh được cử đi nghiên cứu nâng cao chuyên môn tại Trường Quan hệ Quốc tế Mát-xcơ-va, Liên Xô (nay là Liên bang Nga). Về nước, vẫn tiếp tục giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại thương, sau này nhận chức danh Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trưởng bộ môn Maketinh Quốc tế.

Năm 2006 theo Luật Lao động, anh về hưu, nhưng vẫn được mời tiếp tục tham gia đào tạo cho Trường Đại học Ngoại thương đến hết năm 2017. Anh đã có một gia đình nhỏ với một người vợ và 3 con trai đều là đảng viên, vợ chồng con trai cả cũng là Tiến sĩ.

Không dưới một lần tôi băn khoăn hỏi: "Động lực nào giúp Vãn có nghị lực phi thường như thế?”. Và lần nào cũng không một chút chần chừ, anh nói: "Những gì tôi có hôm nay, chính là nhờ truyền thống gia đình hiếu học, có chí tự lập. Nhất là những năm tháng được rèn luyện, chiến đấu trong quân đội... là "bệ phóng" tiếp sức cho tôi đạt được những ước mơ của cuộc đời, để thực hiện lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế".

Quốc Anh