Đội du kích xã và một số cán bộ tỉnh BR-LK năm 1973 tại căn cứ xã Bảo Định. Đồng chí Dương Hòa Hiệp thứ tư từ bên trái sang

Anh sinh ra ở xã Tân Vĩnh Hiệp, huyện Tân Uyên. Đây là vùng đất cằn cỗi nhưng lại chịu nhiều biến động dữ dội của cuộc chiến tranh.

Tuổi thơ ấu của cậu bé Dương Hòa Hiệp trôi đi không mấy êm ả, làng quê bị giặc càn quét liên miên. Cha thì tham gia kháng chiến, còn mẹ thì dắt díu một đàn con nhỏ dại vừa tránh bom pháo, vừa chạy ăn từng bữa. Nhọc nhằn cơ cực không kể xiết. Cậu bé Hiệp cũng lớn dần lên, tận mắt chứng kiến cảnh tang tóc đau thương hàng ngày diễn ra... Năm 1971, anh bỏ làng về Long Khánh học nghề sửa xe. Chính mảnh đất Bảo Hòa là nơi cậu bé Hiệp gầy guộc thuở nào đã trở thành đội viên du kích xã Bảo Định khi mới bước sang tuổi 16. Tuy vóc dáng nhỏ con nhưng anh đã sát cánh cùng đồng đội chiến đấu kiên cường.

Nhớ về những kỷ niệm, những trận đánh một thời khói lửa ấy, anh Hiệp kể: Tháng 7-1973, bọn biệt kích BRU tiến vào gần khu căn cứ của ta. Chúng phục kích đánh vào đoàn cán bộ, chiến sĩ đang trên đường công tác, gây thương vong một số đồng chí. Cấp trên chỉ đạo, tổ chức lực lượng chia thành 2 mũi đánh địch. Riêng mũi thứ hai, bộ đội huyện và du kích xã Bảo Định: Ngô Văn Chiến, Nguyễn Văn Gác (Bảy Gác), Dương Hòa Hiệp... có nhiệm vụ đánh địch từ ấp Nam Hà trở vào. Lực lượng ta từ căn cứ đang vận động hơn 1km thì thấy địch rút lui. Người chỉ huy ra lệnh nổ súng; các loại vũ khí bắn cấp tập vào đội hình địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Do lực lượng ta chỉ có 6 đồng chí, địa hình lại trống trải ở giữa cánh đồng, bị mất lợi thế. Lúc này địch tổ chức phản kích quyết liệt. Bộ đội huyện cùng du kích đồng loạt sử dụng các loại hỏa lực bắn vào đội hình để kìm chân địch; tạo điều kiện cho mũi chủ công tiến lên tiêu diệt bọn biệt kích. Kết quả, ta diệt một số tên và thu vũ khí trang bị của chúng.

Trong trận chiến đấu này, anh Hiệp bị thương. Xã đội trưởng Ngô Văn Chiến và đồng đội đưa anh về căn cứ điều trị. Sau đó, anh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh. Anh Hiệp bộc bạch: “Tụi mình đánh địch không hề biết mệt mỏi, hồi đó mơ ước giải phóng quê hương sao mà mãnh liệt, sao mà cháy bỏng khôn nguôi!”.

Cuối năm 1974, anh nhập ngũ và được điều về huyện đội Xuân Lộc, tiếp tục chiến đấu ở địa bàn Gia Ray, Suối Cát, Bình Phú, Bảo Định. Những trận đánh cuối cùng mà anh tham gia thuộc chiến dịch Xuân Lộc - Long Khánh, phối hợp với bộ đội mở "cánh cửa thép" Xuân Lộc đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Vừa chặn địch không cho chúng đánh vào mạng sườn quân chủ lực của ta, tạo điều kiện cho mũi chủ công Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 tiến đánh giải phóng chi khu Long Khánh.

Đất nước thống nhất, anh tiếp tục công tác và phát triển trong quân đội. Năm 2013 là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh (Khóa IX), Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, anh là Chủ tịch Hội CCB tỉnh Đồng Nai.

Câu chuyện về những năm tháng chiến đấu ở đội du kích Bảo Định, rồi Huyện đội Xuân Lộc của anh cuốn hút tôi - một người lính từng thuộc quyền của anh nhiều năm. Tôi rất ấn tượng với câu: “Trước khi nhập ngũ về Huyện đội Xuân Lộc, tớ đã tham gia gần 20 trận đánh lớn nhỏ”.

Lê Văn Thành