Lễ hội Đền Hùng, một trong những lễ hội lớn của Việt Nam

Lễ hội là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể,  có mối quan hệ chặt chẽ với tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và 40 lễ hội khác.

Các lễ hội này là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính ổn định, thường tập trung ở những người có đạo vào các ngày kỷ niệm trọng đại của các tôn giáo như: Đại lễ Phật đản, Vu lan thắng hội của Phật giáo, hay ngày Lễ Phục sinh của Thiên Chúa giáo; những người có đạo thường cúng tại các nhà thờ, chùa để cầu bình an, may mắn…

Tuy vậy, trong những năm gần đây, các lễ hội tôn giáo ngày càng thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội đã có tác dụng khai thác tiềm năng du lịch, tạo nguồn thu kinh phí không nhỏ bổ sung cho nguồn thu ngân sách quốc gia. Lễ hội còn góp phần tích cực trong việc giao lưu với các nền văn hóa trong khu vực và thế giới.

Ðể các lễ hội thực sự trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân thì công tác tổ chức lễ hội cần chú trọng công tác tuyên truyền các giá trị lịch sử văn hóa để người dân hiểu rõ giá trị của các di tích, các tôn giáo, tín ngưỡng cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, làm cho lễ hội ngày càng văn minh, thật sự trở thành ngày hội văn hóa của nhân dân, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa của địa phương.

Lễ hội bao giờ cũng là sinh hoạt của quần chúng nhân dân, do đó cần phải đánh giá đúng nhu cầu và nhận thức của cư dân về lễ hội. Việc bảo tồn, phục hồi hay phát triển trước hết xuất phát từ yêu cầu này. Chính nhân dân sáng tạo ra lễ hội cũng đồng thời là người kế tục, bảo tồn và phát huy lễ hội trong đời sống xã hội hiện đại và trong tương lai. Phát triển ý thức cộng đồng, dân tộc, quốc gia thông qua lễ hội và qua hoạt động khôi phục các lễ hội truyền thống, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, thống nhất trong đa dạng, như là cốt lõi khi giải quyết vấn đề văn hóa.

Cần chú ý bảo tồn có chọn lọc các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, xây dựng thêm các tiêu chí văn hóa mới phù hợp. Tiến hành rà soát phân loại lễ hội, tăng cường công tác quản lý, nghiên cứu để việc tổ chức lễ hội ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống, coi trọng tính đặc thù, độc đáo của mỗi loại hình lễ hội, tránh cào bằng đồng loạt dẫn đến sự nhàm chán trong hoạt động và sinh hoạt lễ hội. Khôi phục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội, gắn với truyền thống của mỗi vùng, miền.

Bên cạnh khôi phục, bảo tồn những nét đẹp văn hóa, truyền thống của các dân tộc, cũng phải xem xét loại bỏ những lễ hội không cần thiết, ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống cũng như đời sống văn hóa tinh thần của người dân; đặc biệt là ảnh hưởng đến thời gian, kinh tế… của người dân, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Có thể nói, lễ hội đã thể hiện sức mạnh cộng đồng, là dịp để con người giãi bày những khó khăn, mong được thần linh giúp đỡ, chở che để vượt qua thử thách. Vì vậy việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống trong đời sống hiện đại là rất cần thiết.

Hoàng Linh