CCB Trần Ánh Sương thắp hương trước bàn thờ Bác Hồ.

Thôn Phúc Hải, xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh có hơn 90% dân số trong thôn là giáo dân thuộc giáo xứ Nhượng Bản. Từ giáo dân đến lương dân, cuộc sống mưu sinh chủ yếu phụ thuộc vào nghề biển.

Những năm gần đây, phong trào lập bàn thờ Bác Hồ được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Khởi xướng phong trào là 47 hội viên Chi hội CCB, đến nay rất nhiều nhà trong thôn cũng đã lập bàn thờ Bác. Nhà nào không có không gian để lập bàn thờ thì cũng treo ảnh chân dung Bác. Bên trong những ngôi nhà cấp 4 đến những ngôi nhà khang trang tiện ích, bức chân dung vị Cha già của dân tộc luôn được đặt ở những vị trí trang trọng. Có nhà thì lập chung với bàn thờ gia tiên, có nhà lại đặt bàn thờ Bác Hồ bên cạnh bàn thờ gia tiên hay đặt chung vị trí với tượng Chúa Giê- su.

Trong các ngày lễ trọng đại của dân tộc như 30-4, 19-8…; đặc biệt là ngày Quốc khánh 2-9, người dân xóm đạo Phúc Hải còn sửa soạn tươm tất mâm cơm để tưởng nhớ đến công lao của Bác Hồ. “Rước ảnh Bác về thờ tại nhà là việc làm hết sức có ý nghĩa, không chỉ răn dạy con cháu về cách sống, học tập và làm theo tấm gương của Bác mà còn giáo dục con cháu trong gia đình lòng yêu quê hương, đất nước. Đến nay, có hơn 70% gia đình người dân trong thôn lập bàn thờ Bác tại nơi trang trọng trong nhà”, ông Trần Ánh Sương - Phó Chi hội trưởng Hội CCB thôn Phúc Hải cho biết.

Hiện nay, ngoài thôn Phúc Hải, nét đẹp truyền thống treo ảnh, lập bàn thờ Bác Hồ đã lan tỏa khắp 13 huyện, thị, thành phố tại Hà Tĩnh. Sau hơn 3 năm thực hiện có hơn 70% hội viên CCB trong toàn tỉnh có bàn thờ Bác tại nhà. Từ phong trào của Hội CCB, nhiều người dân khắp các địa phương đều hưởng ứng và lập bàn thờ Bác tại gia đình.

TRẦN MINH