Bia tưởng niệm 36 liệt sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Phước Tân được dựng tại Gò Mô - nơi xảy ra những trận đánh ác liệt chống quân Pôn Pốt xâm lược.

36 liệt sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Phước Tân (Tây Ninh) khắc trên bia đá là những cuộc đời vẹn nguyên trong ký ức của người lính Biên phòng. Tinh thần chiền đấu, hy sinh của các anh đã để lại rất nhiều cảm phục. Trong 7 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng, cán bộ, chiến sĩ đồn đã đánh bại 38 đợt tấn công của địch, tiêu diệt 264 tên địch; đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, 25 Huân chương Chiến công các loại cho tập thể và cá nhân. Rất nhiều gương hy sinh anh dũng, nhưng tôi nhớ mãi câu chuyện của 2 chiến sĩ trẻ đã chấp nhận hy sinh, cùng đồng đội giữ đồn, đó là chiến sĩ Nguyễn Mạnh Phơn quê Vân Hải, Kim Sơn, Ninh Bình và Phạm Văn Liên, quê Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định.

Hôm nay trở lại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Phước Tân, chúng tôi gặp 2 đồng chí Lê Xuân Kình và Phạm Huy Hoàn - những đồng đội cùng chiến đấu với 2 liệt sĩ. Các anh lặng người xúc động nhắc lại chuyện này: Buổi trưa hôm đó, đơn vị đón bố mẹ 2 đồng chí Phơn và Liên. Đồn Biên phòng ngày ấy ít khi được người nhà đến thăm, phần vì chiến sự đang căng thẳng, phần vì đường sá xa xôi đi lại khó khăn, nhất lại từ miền Bắc vào. Đi suốt chặng đường dài mấy ngày tuy rất mệt nhưng khi được gặp con trai và đồng đội, mọi mệt nhọc của họ gần như tan biến. Buổi chiều đơn vị tập bắn súng, riêng Phơn và Liên được nghỉ. Anh Hoàn nhớ lại: Lúc ăn tối cùng mọi người, một người mẹ trò chuyện, ở ngoài Bắc vùng đồng bằng chủ yếu ăn ngô trộn gạo, vào Đồn Biên phòng chủ yếu ăn sắn độn gạo nhưng nhiều cá, các con ăn no có sức khỏe. Chập tối, anh Năm Nho - Đồn trưởng nói nhỏ với tôi: Vì lo lắng cho con sợ đánh nhau nên hai gia đình đã lặn lội từ Bắc vào thăm và động viên. Biên giới không ổn định, tôi thấy không thể để bố mẹ các đồng chí ấy ở lâu, có chuyện gì xảy ra sao ta đành lòng, tối đó Chính trị viên làm công tác tư tưởng, rồi lựa lời khuyên hai gia đình ra Bắc. Hôm sau, mọi người dậy sớm nghe lời Chính trị viên lên đường ra Bắc. Ra cổng đồn, hai người mẹ giàn giụa nước mắt ôm chặt từng cán bộ, chiến sĩ. Hình như với sự linh cảm của người mẹ, họ biết có sự hy sinh đang chờ những đứa con. Phơn và Liên được nghỉ một ngày để tiễn bố mẹ ra bến xe Tây Ninh. Chập tối, hai chiến sĩ trở về người đầm đìa mồ hôi, vui vẻ kể: Mẹ bảo, không được bỏ về quê, phải ở lại với các chú, các anh.

Anh Hoàn lặng đi: Sau khi hai đồng chí đưa bố mẹ ra bến xe, có người nghĩ họ không trở lại vì tình hình biên giới đã căng lắm rồi. Vậy mà hai chiến sĩ trở lại đồn ngay, ý chí chiến đấu rất cao. Bố mẹ biết chuẩn bị xảy ra chiến sự nhưng vẫn động viên con ở lại chiến đấu. Không ngờ ngày 16-1-1977, tiễn bố mẹ ra về thì rạng sáng ngày 17-1, bọn Pôn Pốt điên cuồng đánh vào Đồn Biên phòng. Do dự báo được tình hình, Đồn Biên phòng không bị động bất ngờ, nổ súng đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch. Đồng chí Nguyễn Mạnh Phơn chiến đấu hướng chủ lực ở Gò Mô  và đã anh dũng hy sinh cùng Đồn trưởng Năm Nho. Đến ngày 26-1, địch lại nổ súng tấn công đồn, chiến sĩ Phan Văn Liên cũng anh dũng chiến đấu và hy sinh. Khi mai táng các đồng chí, đồng đội bật khóc: “Bố mẹ ơi, chúng con là con của bố mẹ đây; các con của bố mẹ Phơn và Liên đã hy sinh rồi, bố mẹ ơi, chúng con quyết tâm bảo vệ đồn” - đó là tiếng gọi thiêng liêng của những người con, những người lính biên phòng - là tiếng gọi của hai người con không hề biết cuộc gặp gỡ bố mẹ vừa rồi là lần cuối cùng. Những ngày sau đó, noi gương những đồng đội đã hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đồn tiếp tục chiến đáu đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của địch, bảo vệ vững chắc Đồn Biên phòng chuẩn bị cho cuộc truy kích bọn Pôn Pốt sau này.

Ghi nhân thành tích chiến đấu dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Cửa khẩu Phước Tân, ngày 31-10-1978, Nhà nước đã phong tặng Đồn danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 1995, theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, tỉnh  Tây Ninh quyết định đưa khối đá năng gần 10 tấn tại núi Bà Đen về dựng Bia tưởng niệm liệt sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Phước Tân tại Gò Mô khắc tên 36 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh anh dũng chống lại cuộc xâm lăng của bè lũ Pôn Pốt.

Bài và ảnh: Hồng Thái - Đức Nhuận