Diện tích sau khi tỉnh Vĩnh Phúc bàn giao cho Tập đoàn DOJI  vẫn chỉ là… bãi đất hoang.

Dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Tập đoàn DOJI triển khai xây dựng đang gặp phải sự phản đối của nhiều hộ dân mất đất. Điều đáng nói, người dân cho rằng có nhiều văn bản của Dự án được “sinh ra” trước khi có sự chấp thuận của cấp trên…

Cho phép một đằng, phê duyệt một nẻo?

Năm 2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định chấp thuận đầu tư dự án Khu đô thị (KĐT) mới Nam Vĩnh Yên (giai đoạn 3) cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI (Tập đoàn DOJI) trên diện tích 70,68ha tại các phường Đồng Tâm, Hội Hợp (T.P Vĩnh Yên) và xã Đồng Cương (huyện Yên Lạc).

Tuy nhiên, diện tích dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận vênh so với diện tích Chính phủ cho phép chuyển đổi đất lúa tại Dự án.

Cụ thể, tại thời điểm chấp thuận đầu tư, UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới được Thủ tướng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa tại dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên trên diện tích 12ha tại xã Đồng Cương và 35ha tại các phường Đồng Tâm và Hội Hợp.

Tiếp đó, ngày 17-7-2017, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc mới có Nghị quyết số 28 chấp thuận các công trình, dự án thực hiện thu hồi đất (bổ sung) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên được chấp thuận với diện tích 12ha tại xã Đồng Cương và 59,04ha tại phường Đồng Tâm và Hội Hợp.

Tại Báo cáo thuyết minh tổng hợp Điều chỉnh Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất cuối kỳ 2016-2020 tỉnh Vĩnh Phúc do Bộ TNMT thẩm định phê duyệt về danh mục các công trình, dự án thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện KĐT mới Nam Vĩnh Yên, giai đoạn 3 có diện tích qui hoạch là 70,68ha, nhưng không thấy đề năm thực hiện?

Mặc dù vậy, trong 2 năm 2017, 2018, các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc lần lượt ban hành các quyết định thu hồi đất lúa của người dân để giao cho Chủ đầu tư thực hiện dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên, khiến cho người dân có sự phản ứng trước các quyết định thu hồi đất của các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.

Bà Phùng Thị Nga - công dân ở thôn Vật Cách, xã Đồng Cương, người đang phản đối những khuất tất tại dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất thông qua quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Tuy nhiên khi chưa có các văn bản của cấp trên, ngày 26-1-2018, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc đã ký ban hành Quyết định 196 và ngày 9-5-2018, ký ban hành Quyết định 1320 thu hồi gần 13ha trên địa bàn xã Đồng Cương, sau đó gấp rút thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), bàn giao đất cho Chủ đầu tư để triển khai dự án...

Nhiều vấn đề cần làm rõ

Điều đáng nói, bà Nga cho rằng tại thời điểm ký hai quyết định trên, Nghị quyết 49 ngày 10-5-2018 của Chính phủ chưa được ban hành và ngày 14-8-2018, Cơ quan lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới ký phê duyệt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, trong đó dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên, giai đoạn 3 không thấy được đề cập trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của tỉnh Vĩnh Phúc.

“Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Văn Hùng ký Quyết định số 196 và Quyết định 1320 trước khi có Văn bản 1567/TTg-NN ngày 9-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản 5942, ngày 26-10-2018 của Bộ TNMT trình Thủ tướng phê duyêt, chấp thuận cho Vĩnh Phúc chuyển mục đích sử dụng trồng lúa trên địa bàn.

Không những vậy, ông Hùng còn ký 2 quyết định thu hồi đất nêu trên trước khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 938/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của huyện Yên Lạc” - bà Nga cho biết tiếp.

Theo Điều 53 Luật Đất đai, việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải GPMB.

Thế nhưng, dù chưa có mặt bằng sạch, ngày 11-4-2019, ông Nguyễn Văn Khước - Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định bàn giao hơn 10,3ha đất tại xã Đồng Cương cho Tập đoàn DOJI và yêu cầu DOJI tiếp tục phối hợp hoàn thiện công tác bồi thường, GPMB theo quy định đối với diện tích đất còn lại trên phạm vi khu đất thực hiện dự án.

Điều này cho thấy tỉnh Vĩnh Phúc không bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp để tiến hành các thủ tục thuê đất theo quy định, mà còn đề nghị doanh nghiệp phối hợp tham gia GPMB. Cả năm trời sau quyết định giao đất của UBND tỉnh, huyện Yên Lạc tiếp tục ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi đất trước bức xúc của nhân dân.

Không chỉ vậy, khi thực hiện thu hồi đất tại Dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên; người dân còn cho rằng chính quyền áp giá đền bù 60.000 đồng/m2 đất lúa là quá rẻ mạt. Với số tiền đền bù ít ỏi  đó, nhiều hộ gia đình sẽ không biết xoay xở mưu sinh ra sao sau khi bị thu hồi đất. Trong khi quyết định chấp thuận đầu tư dự án KĐT mới Nam Vĩnh Yên, giai đoạn 3, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án hoàn thành vào quý IV-2020, nhưng đến thời điểm này, dự án của Tập đoàn DOJI có quy mô xây dựng 301 căn nhà ở kết hợp thương mại, 185 căn liền kề, 121 căn biệt thự đơn lập, 272 căn nhà ở xã hội thấp tầng, 2 tòa chung cư cao tầng và 4 công trình hỗn hợp thương mại dịch vụ với khái toán tổng mức đầu tư của dự án là 3.900 tỷ đồng vẫn chỉ là… bãi đất hoang!

Doanh Chính