Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm hỏi CCB Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập tại Phủ Chủ tịch ngày 30-6-2010.

Một chiến sĩ quốc tế mẫu mực

Tin Chiến sĩ Quốc tế, Anh hùng LLVTND Kostas Nguyễn Văn Lập từ trần tại A-ten, Hi Lạp, ngày 25-6-2021 gây xúc động, tiếc thương cho nhiều CCB và người Việt biết đến ông. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi điện chia buồn đến gia đình của ông và Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Đảng - Lê Hoài Trung thay mặt T.Ư Đảng gửi điện chia buồn đến Đảng Cộng sản Hi Lạp.

Kostas Saratidis sinh năm 1927 trong một gia đình công nhân ở Thessaloniki, Hi Lạp. Năm 16 tuổi, ông bị Đức quốc xã bắt đi lính và đưa sang Đức. Sau đó, ông trốn thoát và sống tạm trên những chuyến tàu qua lại biên giới Nam Tư - Hi Lạp.

Thế chiến thứ hai kết thúc, vì không có giấy tờ tùy thân, ông không thể trở về đất mẹ Hi Lạp. Đầu năm 1946, ông gia nhập lính lê dương của Pháp và được đưa sang Đông Dương, thực hiện “sứ mạng” giải phóng các xứ nơi đây khỏi ách đô hộ của phát xít Nhật - theo lời của quan thầy Pháp.

Tàu chiến vừa cập cảng Sài Gòn, đơn vị của Kostas được đưa ra miền Trung. Ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Việt Nam, tận mắt chứng kiến nhiều hành động dã man của thực dân Pháp đối với người Việt, ông nảy ra ý định đào ngũ chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Sau khi bắt được liên lạc với điệp báo Việt Minh ở Bình Hòa - Mũi Né, Bình Thuận, đầu tháng 6-1946, Kostas đã cùng một lính lê dương khác tên là Merinos giải thoát cho 25 tù chính trị, rồi mang theo 1 súng máy, 2 súng trường, chạy sang hàng ngũ Việt Minh. Tại vùng kháng chiến Liên khu 5, ông được đặt tên Việt là Nguyễn Văn Lập và chính thức gia nhập Tiểu đội 3, Đại đội 39 Nam Tiến do đồng chí Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng; trở thành một trong những chiến sĩ quốc tế đầu tiên của quân đội ta.

Ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, thuộc biên chế các đơn vị bộ đội chủ lực Liên khu 5, ông được giao nhiệm vụ địch vận, chủ yếu là phát thanh tuyên truyền bằng tiếng Pháp vào đồn binh Pháp. Với hoạt động địch vận, ông đã thu phục được 40 lính lê dương bỏ hàng ngũ của Pháp sang với Việt Minh, cứu sống 120 người của ta bị địch bắt. Ông cũng đã cùng đồng đội bắn rơi máy bay Morane, bắt sống 3 giặc lái Pháp ở gần ga Phú Cang (Quảng Nam). Ngày 1-4-1948, đơn vị ông chống càn tại Hương An - Bà Rén, loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 tên địch.

Có thời gian, Nguyễn Văn Lập được giao làm Tổng giám thị trại giam tù hàng binh Âu - Phi số 3 ở Quảng Ngãi. Năm 1949, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Hiệp định Giơnevơ được ký kết, kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được tập kết ra miền Bắc. Năm 1956, Kostas Nguyễn Văn Lập xuất ngũ, làm phiên dịch tiếng Đức tại Nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội. Năm 1958, ông kết hôn với một thiếu nữ Hà Nội; vợ chồng ông sinh được 4 người con (1 trai, 3 gái) đều lấy tên Việt: Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Nguyễn Thị Bạch Nga, Nguyễn Thị Tự Do.

Việt Nam giúp tôi hiểu độc lập, tự do!

Năm 1965, ông cùng vợ con trở về Hi Lạp, sinh sống bằng nghề lái xe tay hạng nặng. Từ khi trở về Hi Lạp, ông thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự ở Việt Nam và đứng ra thành lập tổ chức Việt Kiều yêu nước, đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Mùa xuân 1975, được tin cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta toàn thắng, đất nước thống nhất, ông “vui mừng, xúc động đến rụng rời chân tay”.

Sau năm 1975, mỗi khi có điều kiện, ông trở lại Việt Nam. Lần nào cũng vậy, trước khi về Việt Nam, ông đều viết di chúc để lại, dặn dò vợ con nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì dứt khoát không được đưa ông về Hi Lạp mà hãy chôn cất ông ở Việt Nam, vì với ông, Việt Nam cũng chính là Tổ quốc, quê hương, như Hi Lạp.

Trân trọng những chiến công, đóng góp lớn lao của Kostas Nguyễn Văn Lập cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và lý tưởng, đức độ trong sáng của ông, nhiều đồng đội và đơn vị thuộc Quân khu 5 mà trước đây ông chiến đấu và công tác đã kiên trì đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho ông. Còn bản thân Nguyễn Văn Lập có nguyện vọng tha thiết được Nhà nước ta công nhận là công dân Việt Nam.

Cách đây một chục năm, người viết bài này đã làm việc với nhiều CCB là đồng đội của Nguyễn Văn Lâp ở Quân khu 5 về việc xuất bản sách của ông viết và bạn bè, đồng đội viết về ông. Được biết, tiền nhuận bút và tiền bán số sách đó, đã được ông góp thêm để dành tặng các nạn nhân chất độc da cam/dioxin và đồng bào Quãng Ngãi bị hậu quả bão lụt; giúp bệnh nhân ở Đà Nẵng, Hà Nội mổ tim… Năm 2009, ông đã vận động thành lập Hội Hữu nghị Hi Lạp - Việt Nam, do ông làm Chủ tịch.

Ngày 9-11-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết quyết định công nhận Kostas Nguyễn Văn Lập là công dân nước  Việt Nam. Tiếp đó, tháng 5-2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Kostas Nguyễn Văn Lập.

Ngày 31-8-2013, lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng mà Đảng, Nhà nước ta phong tặng Kostas Nguyễn Văn Lập được tổ chức tại Hà Nội. Trong buổi lễ đó, ông đã có một hành động gây ấn tượng mạnh: Khi được mời phát biểu, ông đã kính cẩn cúi đầu chào tượng Bác Hồ, rồi mới bước lên bục phát biểu và xúc động nói: “Tôi thích được gọi là Nguyễn Văn Lập hơn là Kostas Sarantidis. Bởi cái tên này gắn với những kỷ niệm không thể nào quên với đất nước Việt Nam của Cụ Hồ. Các bạn Việt Nam đã giúp tôi hiểu thế nào là độc lập, tự do”.

Hưng Nguyễn