Hai vụ việc còn nóng hôi hổi của lối “tự xử” ở hai địa phương.
Vụ thứ nhất, xảy ra ở làng quê: Nhiều lần rồi, “cẩu tặc” cứ ngang nhiên vào các nhà bắt chó. Dân báo chính quyền. Chính quyền chả ngăn chặn. Kẻ trộm được nước càng ăn cắp trắng trợn hơn. Hôm ấy, gia đình nọ uất quá, đánh lại tên trộm-quá tay làm trộm chết. Vụ thứ 2, ở Hà Nội: Khu đất công của phường nọ đêm đêm lũ lượt xe chở phế thải xây dựng về đổ trái phép. Dân cũng báo chính quyền phường… Chả chuyển biến gì. Thế là dân bảo nhau bắt chủ xe trói lại, thậm chí quá khích còn đốt cả xe…
Việc “tự xử” để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, trật tự và đời sống xã hội. Từ cách hành xử như vậy, không ít người dân lương thiện đã tự đưa mình vào vòng lao lý.
Nguyên nhân, dẫn đến hành động “tự xử” có lỗi của “lỗ hổng” kỹ năng sống. Nhưng từ hai vụ việc trên thì lỗi chính lại ở trách nhiệm của đội ngũ công vụ kém. Họ đã thờ ơ trước những đề nghị của nhân dân, không tôn trọng, không đặt lợi ích của nhân dân lên trên, thậm chí quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, bao che cho kẻ xấu... làm cho người dân từ chỗ bức xúc đến mất niềm tin, mất phương hướng, dẫn đến cực đoan, hành động mù quáng.
Tình trạng đó cũng đúng với báo cáo của Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2014, cho biết mức độ nhũng nhiễu, vòi vĩnh trong khu vực công có xu hướng tăng. Ví dụ như 24% số người được hỏi, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải chi trả thêm ngoài quy định mới nhận được kết quả; 1/5 số hộ bị thu hồi đất chưa nhận được bồi thường…
Điều đó báo hiệu trách nhiệm, phẩm chất cán bộ xuống và cho thấy cuộc chiến chống giặc “nội xâm” của Đảng ta còn lắm gian nan; rất cần những giải pháp mới hữu hiệu hơn.
PHẠM NGUYỄN