CCB Nguyễn Thanh Tú (bên phải) và Tổ tình nguyện.

Vào buổi sáng ở vùng núi đá xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình thường hay có đàn voọc hay xuất hiện. Chúng đi theo từng nhóm chừng 4-5 con trên những mỏm đá cao, quây quần phơi nắng. Có những nơi chúng xuất hiện chỉ cách đường đi khoảng 100m. Để bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển đàn voọc nơi đây có sự đóng góp lớn của CCB Nguyễn Thanh Tú và Tổ tình nguyện bảo vệ rừng, bảo tồn đàn voọc (gọi tắt là Tổ tình nguyện).

Sinh năm 1962, ở thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, năm 1983, Nguyễn Thanh Tú nhập ngũ vào Công an Cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Năm 1995, ông chuyển sang Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình đến năm 2012 thì về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Cũng năm đó, ông phát hiện ra đàn voọc gáy trắng đang sinh sống ở vùng núi đá quê mình là loài quý hiếm có trong Sách đỏ đang cần được bảo vệ. Và từ đó ông quyết tâm tìm mọi cách bảo vệ đàn voọc đến cùng.

Tìm hiểu qua các cụ cao niên trong làng, ông được biết, trước đây đã có nhiều đàn voọc, khỉ sinh sống ở các ngọn  núi  đá  cao. Nhưng bom đạn của chiến tranh làm chúng sợ, cùng với nạn săn bắt trái phép làm đàn voọc biến mất khỏi lèn Thạch Hóa một thời gian dài. Đến năm 2012 mới thấy chúng xuất hiện trở lại.

Qua tìm hiểu, CCB Nguyễn Thanh Tú biết CCB Nguyễn Văn Hồng ở xã Đồng Hóa là người hay săn bắt voọc. Ông đã đến nhà ông Hồng nhiều lần làm quen rồi tỷ tê trò chuyện, thuyết phục ông Hồng bỏ nghề săn bắt Voọcvà cùng ông  bảo vệ rừng cùng đàn voọc quý hiếm. Ông Tú nghe theo, bỏ nghề săn bắt voọc và tích cực vận động thành lập Tổ tình nguyện bảo vệ rừng, bảo tồn đàn voọc.

Tổ có 15 thành viên (3 nữ, 12 nam), cùng với Tổ trưởng là CCB Nguyễn Thanh Tú còn 3 CCB làm nòng cốt là các ông Nguyễn Văn Hồng, Trần Bá Quế, Nguyễn Viết Danh. Đặc biệt, Bí thư chi bộ thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa cũng hăng hái tham gia. Mọi người tham gia đều tự nguyện mà không đòi hỏi điều kiện gì. Tổ đề ra quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng.

Nhận rõ tâm huyết và thế mạnh của những người yêu rừng, năm 2018, Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa ra quyết định công nhận Tổ tình nguyện bảo vệ do CCB Nguyễn Thanh Tú làm Tổ trưởng.

Trước tiên, Tổ tích cực tuyên  truyền vận  động  mọi người chung  tay bảo vệ rừng, không săn bắt, khai thác đá, khai thác gỗ, củi ở các vùng lèn đá trong phạm vi núi đá được UBND tỉnh Quảng Bình quy hoạch bảo vệ là 510ha, thuộc 4 xã (Sơn Hóa, Đồng Hóa, Thạch Hóa, Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa). Thường xuyên nắm tình hình an ninh, an toàn trên địa bàn để kịp thời báo lên trên và đề ra biện pháp xử lý.

Tổ cắt cử thành viên luân phiên tuần tra bảo vệ rừng để phát hiện những vi phạm pháp luật trong bảo vệ rừng. Qua tuần tra, thời gian qua Tổ phát hiện và thu giữ 273 dây bẫy và bẫy kẹp các loại; phá hủy hàng chục tay lưới bẫy chim trời; giải cứu 4 cá thể khỉ, 1 cá thể voọc gáy trắng, 2 cá thể cu li lớn, 1 cá thể trăn… Ngoài ra, Tổ còn phát hiện một số trường hợp lấn đất rừng đặc dụng, khai thác gỗ, lâm sản quý hiếm báo cáo kiểm lâm xử lý và phát hiện thêm 3 đàn khỉ mốc gồm 45 con.

Từ ngày có Tổ bảo vệ, tình trạng người dân chặt củi, khai thác gỗ, đá, săn bắn trái phép giảm hẳn. Cây cối được bảo vệ tốt hơn nênnguồn thức ăn cho voọc càng thêm phong phú. Điều quan trọng là,qua công tác tuyên truyền, thuyết phục của các thành viên trong tổ, bà con trên địa bàn đã nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ rừng. Đặc biệt là biết được voọc gáy trắng thuộc họ khỉ là loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ, cần được bảo vệ theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.

Nhờ những hoạt động đầy tâm huyêt của những thành viên trong Tổ tự nguyện mà sự tác động tiêu cực của con người vào đàn voọc ngày càng giảm dần làm cho đàn voọc ngày càng phát triển. Năm 2012, khi mới phát hiện, đàn voọc đầu tiên ở vùng núi đá Cây Gạo có 11 con. Đến năm 2020, qua kiểm đếm bằng máy của Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN) trực thuộc Liên hiệp Hội KHKT Việt Nam thì đã có 22 đàn với 156 con. Voọc cũng ngày càng thân thiện với môi trường, với con người hơn. Đã có nhiều núi đá trong khu vực bảo vệ gần nhà ông Tú như: Cửa Hung, Đá Lô, Hang Cùng, Dàn Vượn, Eo Lèn, Tang Bồng, Sẩm Mè, Hốc Mang, Hung Trù, Khe Đá… vào buổi sáng, đàn voọc hay xuất hiện, theo từng nhóm 4-5 con trên những mõm đá cao.

CCB Nguyễn Thanh Tú cho biết: “Từ ngày phát hiện đàn voọc gáy trắng  đến nay, nhà tôi và nhà CCB Nguyễn Văn Hồng trở thành điểm đến cho những người yêu thích thiên nhiên, yêu thích đàn voọc nên đông khách hơn. Có nhiều đoàn là những nhà khoa học đến từ Đức, Bỉ, Anh, Inđônêxia…, các nhà nhiếp ảnh, nhà báo trong nước, ngoài nước đến đây. Họ thích thú chiêm ngưỡng, ghi hình, chụp ảnh đàn voọc đang phơi nắng ở khoảng cách gần 200m và nghe giới thiệu về quá trình giữ rừng, bảo tồn phát triển đàn voọc gáy trắng này”.

Trong quá trình hoạt động, ngoài sự động viên giúp đỡ của Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp, Tổ còn được sự giúp đỡ, hỗ trợ  tích cực, đầy trách nhiệm của Trung tâm Nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (CEGORN). Bằng các việc làm như: Nâng cao năng lực về tuần tra, giám sát, đa dạng sinh học có hiệu quả; hỗ trợ về trang thiết bị, dụng cụ tuần tra, đồng phục, dụng cụ y tế, đèn pin, ống nhòm, dày dép và một phần kinh phí; phối hợp với các cấp chính quyền xây dựng cơ chế đồng quản lý...

Với những đóng góp tích cực của mình trong việc tình nguyện đi đầu bảo vệ đàn voọc gáy trắng, CCB Nguyễn Thanh Tú được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2015, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường (2021), Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (2019) và Chứng nhận Chương trình vinh danh công tác Bảo tồn loài hoang dã giai đoạn 2010-2020  của Bộ Tài nguyên môi trường và nhiều giấy khen  khác. Đến nay, mọi người trong huyện gọi CCB Nguyễn Thanh Tú với cái tên trìu mến “Tú voọc”

Hồ Duy Thiện