Cây tra ở Trường Sa.

Đại tá, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hữu Hảo - nguyên Phó Cục trưởng, Cục Sản xuất, Bộ Quốc phòng, nghỉ hưu năm 2000. Ông là chủ nhiệm Đề tài khoa học “Trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa”, thực hiện từ năm 1992 đến 1996, được giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005. Xin lược ghi buổi trò chuyện cùng ông về vấn đề này.

PV: Xuất phát từ đâu, ông xây dựng Đề tài “Trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quàn đảo Trường Sa”, thưa Đại tá.

Đại tá Nguyễn Hữu Hảo: Năm 1991, tôi được Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) giao nhiệm vụ: Nghiên cứu, tổ chức sản xuất trồng rau xanh trên quần đảo Trường Sa, nhằm đáp ứng một phần nhu cầu rau xanh tại chỗ, nhất là vào mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau), khắc phục tình trạng thiếu, thèm rau xanh kéo dài, ảnh hưởng đời sống bộ đội và nhân dân trên đảo.

Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất rau trên đảo là hệ thống cây xanh quá mỏng. Ở các đảo thuộc cụm đảo phía Bắc, lượng cây xanh có khá hơn, chủng loại cũng phong phú như phong ba, bão táp, mù u, mộc chi, nhàu, phi lao, dừa… song cũng chỉ chiếm từ 15-20% độ bao phủ, chưa có hệ thống cây che chắn trên đảo. Ở cụm đảo phía Nam, điển hình là đảo Trường Sa Lớn, chỉ có 12 cây gồm bàng thường, bàng vuông, phi lao và một bụi cây bão táp. Cho nên mỗi khi gió mùa Đông Bắc tràn về, sóng biển gặp đá mồ côi quanh đảo làm tung lên không gian nhiều bụi muối; bụi muối được gió đưa vào đảo, bám vào thân, lá, ngọn cây; gặp cái nắng cháy da, cháy thịt, làm cho cây cháy lá, cụt ngọn. Hàng trăm cây phi lao đưa từ đất liền ra trồng, có sống cũng chỉ cao quá đầu gối, thân, lá đỏ quạch, chết dần do thiếu nước ngọt; các công trình, nhà cửa cũng xuống cấp, han rỉ…Tác giả Thanh Hải đã làm thơ về “Cái nắng” ở Trường Sa với những câu: “Nắng xuyên vào khắp mọi nơi/ Nắng rang bãi cát hết vơi lại đầy/ Nắng như đo được chiều dầy/ Nắng như chỉ có nơi này mà thôi/ Nắng nung nước biển phải sôi/ Nắng xô nhà cửa, đứng ngồi không yên/ Nắng làm người cũng ngả nghiêng/ Da anh vì nắng chỉ riêng một màu”.

Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu năm 1991, Cục Sản xuất báo cáo Tổng cục Hậu cần cho triển klhai Đề tài nghiên cứu “Trồng cây phủ xanh trên đảo, trồng rau, chăn nuôi và cải tạo môi trường sinh thái trên quần đảo Trường Sa, giai đoạn 1992-1995”; nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài đời sống bộ đội, nhân dân trên đảo. Sau đó Đề tài được Bộ Quốc phòng quyết định chuyển lên thành Đề tài cấp Bộ, giao Cục Khoa học - Công nghệ - Môi trường, Bộ Quốc phòng quản lý và hợp đồng thực hiện. Riêng đề tài trồng cây trên đảo, Cục Khoa học - Công nghệ - Môi trường chia làm hai giai đoạn: Từ 1992-1994, nghiên cứu khả năng chống chịu (chịu mặn, gió, bão và chịu khô hạn), xây dựng quy trình kỹ thuật ươm, nhân giống cây phong ba, bão táp. Tìm cây chịu mặn và phù hợp điều kiện môi trường ngoài Trường Sa bổ sung vào hệ thống cây bóng mát ở đảo. Giai đoạn 1995-1996, xây dựng mô hình trồng cây che chắn và cây bóng mát, chuyển giao quy trình kỹ thuật.

PV: Năm 2010, tôi có ra Trường Sa, thấy hệ thống cây xanh trên các đảo nhiều và anh tốt. Anh em trên các đảo cho biết, đó là công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trồng, chăm sóc, bảo vệ mà nên. Xin Đại tá cho biết thêm.

Đại tá Nguyễn Hữu Hảo:  Đề tài trồng rau, chỉ qua một vụ, một mùa là đưa ra được quy trình sản xuất. Nhưng về trồng cây xanh, sống lâu năm, phải thực hiện hai giai đoạn như đã nói: Giai đoạn 1992-1994, kiểm tra sản xuất ở các quân khu, tỉnh đội có biển, đảo để tìm cây phong ba, bão táp và cây chịu mặn. Thật bất ngờ năm 1993 tìm được cây bão táp ở chân đèo Hải Vân, cây phong ba cây bàng vuông ở đảo Cồn Cỏ, cây phong ba mọc ở đèo Cà Ná. Những loài cây này đều do bộ đội ta ở Trường Sa đặt tên. Cây bão táp là loại cây bụi, thân gỗ mềm, mặt lá có lớp lông mịn, chống thoát nước và chống bụi nước làm cháy lá. Chúng tôi nhân giống theo cách giâm cành ở Cam Ranh để xây dựng quy trình trồng ở Trường Sa. Cây phong ba là loài cây thân gỗ nhỡ, mặt lá cũng có một lớp lông mịn, cây cao từ 10-15m, nhiều quả hạt nhỏ nhưng khả năng tái sinh tự nhiệm kém. Năm 1994, chúng tôi được Tỉnh đội Khánh Hòa giới thiệu cây bàng biển (cây tra) và được Công ty Công viên cây xanh tỉnh Khánh Hòa cấp tặng huyện đảo Trường Sa 17 cây giống đưa ra trồng thử, sau một năm chỉ chết 2 cây. Cũng năm 1994, có hạt giống cây phong ba thu hái từ Cà Ná, Công ty Công viên cây xanh tỉnh Khánh Hòa sản xuất được 1.000 cây giống, đưa ra đảo 100 cây trồng thử. Đảo Trường Sa Lớn trồng 46 cây, sống được 11 cây; nguyên nhân cây chết trên 50% là do nắng nóng, thiếu nước ngọt. Từ thực tế đó, chúng tôi xây dựng mô hình ở đảo Trường Sa Lớn và đảo Nam Yết: Hệ thống cây che chắn bảo vệ đảo với chiều dài 50m, bao gồm: Tầng mặt đất có rau muống biển (nhằm giữ cát, san hô từ biển do sóng đưa vào); tầng thấp cây bão táp (giâm cành); tầng trung là cây phong ba xen cây tra. Hệ thống cây che chắn bảo vệ đảo từa 10-15m. Sau hệ thống cây che chắn là cây bóng mát gồm tra, bàng thường, bàng vuông, mù u, mộc chi, phi lao, dừa…

Để bảo đảm cho cây sống cao, mỗi đảo được đầu tư 1 vườn ươm rộng 10m2, tường bao cao 1m, các cây giống đưa ra được ươm trong vườn và đem trồng vào mùa mưa. Sau 2 năm (1995-1996) thực hiện mô hình “mẫu”, tỷ lệ cây sống trên 60%. Cuối năm 1996 nghiệm thu Đề tài, được Bộ chuyển giao quy trình kỹ thuật cho Bộ Tư lệnh Hải quân thực hiện.

PV: Được biết, năm 2005, Đề tài “Trồng cây che chắn và cây bóng mát tại quần đảo Trường Sa”, được Chủ tịch tặng giải thưởng Nhà nước về Khoa học công nghệ. Đại tá cho biết còn điều gì cần làm tiếp.

Đại tá Nguyễn Hữu Hảo:  Rất bất ngờ là khi đã nghỉ hưu, Đề tài được đón nhận vinh dự đó. Đây chính là công sức của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tuy nhiên cần nghiên cứu trồng thật nhiều cây bão táp và quy hoạch một phần thay thế cây rau muống biển bằng cây từ bi, có nhiều ở ven biển Đà Nẵng để vừa giữ đất, vừa thu hái làm nước uống cho quân, dân huyện đảo.

Trúc Phương (thực hiện)