Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên tại Lễ kỷ niệm 40 năm Bộ đội Trường Sơn đường Hồ Chí Minh.

Ngoài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người ra lệnh mở đường Hồ Chí Minh, tuyến đường hậu cần chiến lược khiến đế quốc Mỹ xâm lược phải thất bại khi can thiệp vào Việt Nam.

Trong cuốn "Lịch sử đường mòn Hồ Chí Minh - Con đường đến tự do", xuất bản lần đầu năm 2006, trả lời câu hỏi của bà Morris, Đại tướng nói: "Tại sao chúng tôi lại xây dựng đường Hồ Chí Minh? Vì người Mỹ tấn công chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán được chiến tranh sẽ kéo dài, nhưng chúng tôi nhất định sẽ thắng. Quân đội non trẻ của chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là từ trận Điện Biên Phủ. Một trong những bài học đó chính là vai trò cực kỳ quan trọng của hậu cần. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã biết Mỹ, với chiến lược "Phản ứng linh hoạt", trước sau rồi cũng sẽ đưa quân vào Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi phải tính kế lâu dài. Tôi biết rằng, nếu muốn thắng, chúng tôi phải mở rộng mặt trận của cuộc chiến tranh du kích lúc đó, phải đánh những trận lớn hơn. Tháng 5-1959, chúng tôi ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh”.

Và từ đó, dường như hằng ngày, hằng giờ Đại tướng dõi theo những hoạt động của Bộ đội Trường Sơn. Không chỉ dõi theo và chỉ huy Bộ đội Trường Sơn ở đại bản doanh mà ông còn trực tiếp vượt hàng nghìn ki-lô-mét vào tuyến lửa Khu 4, vào tận mặt trận khảo sát, chỉ đạo và chia sẻ những gian khổ hy sinh cùng cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn

Nhà nhiếp ảnh Vương Khánh Hồng - người được Giải thưởng Nhà nước năm 2012 với bộ ảnh ‘Đường Hồ Chí Minh những năm chiến tranh”, nguyên là phóng viên ảnh của Đoàn 559 đã ba lần gặp và chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trong các mùa khô từ năm 1969 đến 1973) nhớ lại: “Lần nào vào làm việc với Bộ Tư lệnh Đoàn 559, Đại tướng cũng đề nghị cho anh em phóng viên vào quay phim, chụp ảnh trước, sau đó mới vào làm việc chính thức. Giải thích với Chỉ huy Đoàn 559, Đại tướng bảo: Mình cố một tí, để các cậu ấy khỏi bị phê bình… Trên đường, xe Đại tướng thường đi sau xe dẫn đường, chúng tôi đi xe cuối cùng, nhưng bao giờ khi xuống xe, Đại tướng cũng tự phủi bụi, chỉnh đốn trang phục, rồi để ý xem anh em đến chưa, đã sẵn sàng chưa...

Không chỉ lo cho chúng tôi, Đại tướng còn quan tâm tới tất cả anh em chiến sĩ. Trong chuyến đến kiểm tra đèo Phu La Nhích trên đất Lào mùa khô 1972-1973, anh em mở đường đang làm việc thấy Đại tướng đến thì reo ầm lên rồi chạy xuống đón. Đại tướng khi ấy tuổi đã 60, xua tay: “Để mình lên. Để mình lên”. Khi đi lên, Đại tướng lo tôi không lên kịp, còn hỏi: “Hồng đâu rồi, chuẩn bị chụp ảnh đi này”. Sau khi xuống đèo, Đại tướng đến ngầm Ta Lê, cùng trong một trọng điểm, tại đây có rất nhiều bộ đội và thanh niên xung phong, ai cũng muốn thấy Đại tướng. Đại tướng biết ý, bèn đứng lên một cái đầu xe tải cho anh em thấy rõ…

Tôi cũng nhiều lần được Đại tướng cho chụp ảnh chung. Nhưng đáng nhớ nhất là lần Đại tướng làm việc với Tỉnh ủy Quảng Bình năm 1970. Hôm ấy, lúc giải lao, Đại tướng bảo tôi: Tớ với cậu chụp chung nào, rồi bảo tôi đưa cho thư ký một chiếc máy ảnh. Rồi Đại tướng bắt tay tôi, hỏi: Cậu có vợ chưa? Mình chưa kịp nói gì, Đại tướng đã bảo Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên: Ông xem có cô nào xinh xắn thì gả cho Hồng, chứ để một cậu đẹp trai thế này ở không thì phí quá. Ông Nguyên biết mình có vợ rồi, chỉ cười…

Một trong những bức ảnh ông Vương Khánh Hồng chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bộ ảnh Đường Hồ Chí Minh những năm chiến tranh chống Mỹ đã được giải thưởng Nhà nước năm 2012. Đó là bức ảnh ông Hồng chụp trong mùa khô năm 1972-1973, ở khu vực Binh trạm 32, trên địa phận tỉnh Savanakhet, Lào. Trong ảnh, Đại tướng đang nghỉ chân, cầm một chiếc máy ảnh và nói về sự vất vả, khó khăn của việc chụp ảnh với các cán bộ Đoàn 559 đứng quanh (theo Lưu Quang Phổ trên Thanh niên Online).

Trong lần Bí thư Quân ủy T.Ư Tổng Tư lệnh vào dự Đại hội mừng công Bộ đội Trường Sơn (17-3-1973), Đại tướng nói: “...Thế là ta đã thắng Mỹ hiệp đầu, nhưng cũng khá dài... rồi còn gì. Trong lịch sử chiến tranh đây là lần đầu dân tộc ta đối chọi với tên xâm lược khổng lồ, có nền khoa học kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thế giới, có tư duy chiến lược sắc sảo hiểm độc vượt xa các đế quốc đương thời... Mỹ đổ vào cuộc chiến tranh Việt Nam, theo số liệu họ công bố chưa đầy đủ đã tốn gần nghìn tỷ USD, 19% tổng lực lượng quân sự, năm triệu rưỡi lao động chính quốc phục vụ hậu cần cho cuộc chiến... Riêng đối với việc ngăn chặn “đường mòn”, Mỹ đã huy động trí tuệ hầu hết các nhà khoa học nổi tiếng để sáng chế các chương trình “chiến tranh điện tử”, chiến tranh “trụi lá rừng”, thực chất là chiến tranh hóa học, chiến tranh môi trường... Phải dốc sức vì Mỹ ý thức rõ “đường mòn” Hồ Chí Minh là “động mạch” chủ yếu của cơ thể Việt Nam...

Cựu Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Mc. Namara trong cuốn hồi ký của mình phải thừa nhận rằng, dù đã sử dụng tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất như máy bay ném bom B52, hàng rào điện tử hay chất diệt cỏ, bom napal, quân đội Mỹ vẫn không thể bóp nghẹt đường Hồ Chí Minh.

Đó không chỉ là một con đường mà còn là công trình xây dựng kỳ vĩ trong lịch sử quân sự của loài người với hơn 20.000km đường ngang dọc. Cũng có khoảng 20.000 chiến sĩ đã hy sinh, hàng nghìn người còn mất tích cùng hơn 30.000 người bị thương nặng để giữ cho tuyến đường luôn thông suốt dưới những trận mưa bom của không quân Mỹ. ..

Ngày 7-4-1975, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 nhận được một bức điện mật rất quan trọng từ Bộ Tổng tham mưu với nội dung: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận. Giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng! Truyền đạt tức khắc đến đảng viên và chiến sĩ". Bức điện mật này là mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thông báo đến toàn quân. Theo đó, Đoàn 559 được giao nhiệm vụ phải mã hoá trước lúc phát lên vô tuyến điện tín. Người trực tiếp mã hoá bức mật thư ấy là Đại tá Nguyễn Đức Mãi.

11 giờ ngày 30-4-1975, giữa đại ngàn Trường Sơn, Đại tá Nguyễn Đức Mãi lại vinh dự đón nhận bức điện mật của Bộ Chỉ huy Mặt trận cánh Đông do Trung tướng Lê Trọng Tấn chuyển về với nội dung: "10 giờ ngày 30-4, toàn bộ Lữ đoàn 203 Quân đoàn 2 đã vào Sài Gòn chiếm lĩnh dinh Độc Lập, bắt Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu cùng nhiều nhân viên cao cấp ngụy quyền Sài Gòn đang họp, Dương Văn Minh ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng…

Thập Tam trại, hè 2019

Ngô Vĩnh Bình