Đồng thời, từ ngày 1 đến 8-1, Trung Quốc đã thực hiện 46 chuyến bay vào Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) để tới đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Các máy bay của Trung Quốc đã bỏ qua tất cả quy định, quy tắc của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay. Bay vào vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý nhưng không hề nộp kế hoạch bay cho cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam và không thiết lập liên lạc thoại với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh. Hoạt động bay nói trên của máy bay Trung Quốc đã uy hiếp đến an toàn khai thác các đường hàng không quốc tế trên Biển Đông được ICAO và các quốc gia liên quan thỏa thuận thiết lập, ảnh hưởng đến việc quản lý điều hành bay của các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam đối với Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh.
Liên quan đến việc máy bay Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cảnh báo đây là hành động làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực. “Bất cứ động thái của bất cứ quốc gia nào làm gia tăng căng thẳng liên quan đến những hòn đảo tranh chấp này, cũng như việc tìm cách quân sự hóa hay tiến hành những hoạt động bồi lấn tại các hòn đảo đó, sẽ chỉ gây thêm bất ổn trên Biển Đông” - người phát ngôn Lầu Năm góc nói với báo giới. Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ-Paul Ryan đã nêu bật sự cần thiết của việc duy trì một lực lượng hải quân mạnh (của Hoa Kỳ) để tạo sự răn đe trên Biển Đông. Tổng thống Philippines-Benigno Aquino lên tiếng hối thúc các nước ASEAN gây sức ép lên Trung Quốc để nhất trí về bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc giúp giảm căng thẳng trên Biển Đông. Trang mạng Tin tức quốc gia (Nga) ngày 9-1 có bài viết nêu rõ, các chuyến bay của Trung Quốc là tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, đi ngược lại với quan điểm của các quốc gia trong xung đột là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.
Đức Bình