Rất bất ngờ, tôi thấy Tuynh, một đội viên Đội chiếu phim của Cục Chính trị 559 đang một tay giữ ngang đầu cáng, một tay cầm mũ tai bèo quạt lấy quạt để, miệng há hốc thở. Tôi hỏi:

  • Cậu ở Đội điện ảnh, sao lại đi cáng thương ra đây?
    Tuynh đáp:
  • Chúng em che bạt lợp lán chiếu ban ngày. Ban đêm nghỉ, nhưng có việc gì ở trạm giao liên cần, thì cả tổ sẵn sàng.
    Tuynh kể, đường xe con chạy vòng cua quanh núi thì không thấy hết dốc, nhưng đường cáng thương, thì cheo leo, có chỗ đá tai mèo cao hàng mét, người cáng bật máu chân, trầy vai, xước cổ, nhưng chỉ lo trật cáng, thương binh lại chịu đau vì mình nên anh em ai nấy, dù bụng đói, mất ngủ lại mệt nhoài, vẫn không hề quản ngại, kêu ca. Tinh thần Xô Viết Nghệ An mà lỵ.
    Tuynh là người ở Nghệ An. Ông bà, bố mẹ đều đã trải qua những cuộc đấu tranh thời 30-31, nên cậu ta nói thế là rất thật lòng. Tôi và Phó Chính ủy đều biểu dương khen ngợi. Nhưng câu chuyện của người nằm trên cáng mới làm chúng tôi khâm phục hơn:
    Anh tên là Hà Văn Tiến, quê xã Cát Ngạn, huyện Thanh Chương một địa phương nổi tiếng về truyền thống ném đất, ném đá. Ngày xưa, thời Pháp thuộc, các cụ kể rằng cứ hằng năm, sau lễ tế thần là hai làng trên dưới dàn quân, dùng đất đá trên ruộng khô ném nhau; ai thua chạy, đuổi đến kỳ cùng! Bao giờ một bên có người chết thì cả hai làng mới dừng tay, dừng chân. Hà Văn Tiến, trong luyện quân ở Quân khu 4, đoạt giải nhất ném lựu đạn tới gần 80m. Vào đơn vị 325B đi Nam, anh là tiểu đội trưởng xung kích. Bên hông là khẩu B40 với
    3 quả đạn, còn một chùm lựu đạn gần chục quả. Tiểu đội coi anh là tiền đồn phòng thủ và là mũi nhọn tấn công khi bước qua cầu Thượng Tứ, tiến vào phía tây bắc Thành nội Huế. Trong trận tối mùng một, rạng mùng hai, địch có dấu hiệu sử dụng xe tăng ra phản công lại ta. Một chiếc vừa quay nòng pháo, chuẩn bị xuất kích thì “ăn” ngay một quả B40 của Tiến, nổ tung. Mấy chiếc xe xung quanh quay pháo chạy lui. Tiến hô cả tổ xung phong truy kích. Lũ bộ binh ngụy bám sau xe tăng chạy liền bị Tiến rút lựu đạn quăng theo. Khoảng cách rất xa, nhưng nhiều tên ngã lăn dưới đám bụi do lựu đạn nổ trúng đội hình.
    Bất ngờ, mấy xe tăng quay đầu lại, phản công bằng đại liên và pháo nòng dài bắn thẳng. Tiến đi đầu, trúng đạn vào hông, hở ra một đoạn ruột. Anh tự tay xé áo, buột chặt bụng, tiếp tục xông lên, nhưng do vết thương quá nặng, anh ngã vật ra. Anh cắn răng chịu đựng, gọi một xạ thủ khá nhất của tiểu dội, đến giao khẩu B40 và mấy quả lựu đạn còn lại. Tiến thều thào nói: “Thằng xe tăng M11 của Mỹ, ở xa thì còn đáng gờm. Gần thì nó chẳng làm gì được đâu. Cứ bình tĩnh ngắm trúng bóp cò, quăng lựu đạn…”. Anh hoàn toàn ngất lịm. Đồng đội khiêng anh về phía sau.
    Theo những người cùng đơn vị đi theo, tuy bị thương nặng, nhưng Tiến không hề kêu đau, còn động viên anh em nhanh chóng quay trở lại tuyến phòng thủ. Anh còn nói: “Chuyến này có thể ta chưa toàn thắng, nhưng Mỹ ngụy phải ngấm đòn trời giáng…” (sau này nghiệm ra mới biết lời Tiến có phần “trên tỉnh táo”).
    Tôi và Phó Chính ủy bảo Tuynh mở chăn đắp cho thương binh để xem tình trạng vết thương: Máu chảy đầy băng, đầy võng nhưng đã dần khô. Người thương binh chớp mắt và như nhếch mép cười, quờ tay ra như muốn bắt tay chúng tôi. Chúng tôi đều rớt nước mắt, nhẹ nhàng ấn tay anh xuống, đắp vội tấm chăn màu ngụy trang và động viên các cáng thương nhanh chóng tranh cướp thời gian đầu sáng, chuyển các thương binh đều trạm phẫu thuật cấp cứu Tiền phương của Binh trạm 42, ngay dưới chân dốc A.So
    Đã 48 năm rồi. Cứ mỗi Tết Thân, tôi lại muốn nghẹn ngào nhắc lại cái ngày Xuân đầy xúc động ấy
    Trọng Khoát