Mất 21 tỷ đồng do đâu?
Ngày 22-4-2014, Viện KSND TP Hà Nội (VKS) ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Hồng Nhung, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Lưỡng Thổ (Công ty Lưỡng Thổ) và Nguyễn Quốc Đạt, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Hồng Trang (Công ty Hồng Trang) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140, Khoản 4, Điểm a của Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ án còn có 7 bị can bị truy tố các tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; tội cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm các qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Chi nhánh Công ty CP gang thép Thái Nguyên tại Hà Nội (Chi nhánh Hà Nội), và phòng giao dịch Quang Minh thuộc Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam-Chi nhánh Tây Hà Nội (BIDV Tây Hà Nội). Trong số các bị can này có 2 giám đốc chi nhánh, 1 trưởng phòng, 2 phó phòng và 2 nhân viên.
Theo cáo trạng, ngày 4-1-2011, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Công ty Lưỡng Thổ ký Hợp đồng mua bán thép số 02/HĐMB-2011 với Chi nhánh Hà Nội. Hợp đồng mua bán thép này được BIDV Tây Hà Nội bảo lãnh thanh toán cho số tiền là 75 tỷ đồng. Thời hạn bảo lãnh 90 ngày từ ngày 6-1 đến ngày 9-4-2011. Đến ngày 6-4-2011, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc BIDV Tây Hà Nội tiếp tục ký gia hạn thư bảo lãnh cho Công ty Lưỡng Thổ đến ngày 6-7-2011.
Ngày 14-4-2011, dựa vào hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng, Nhung đã mua thép của Chi nhánh Hà Nội đúng bằng số tiền BIDV Tây Hà Nội phát hành bảo lãnh thanh toán. Tuy nhiên, theo quy định của Chủ tịch HĐQT Công ty CP gang thép Thái Nguyên tại Quyết định số 04/QĐ- HĐQT, thì quy chế bán hàng thép Tisco do công ty sản xuất, có quy trình rất chặt chẽ, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ từng bộ phận. Nhưng sau đó do một số cán bộ của Công ty CP gang thép Thái Nguyên và Chi nhánh Hà Nội đã không thực hiện theo trình tự quy định, dẫn đến hậu quả một lượng sắt thép lớn trong hợp đồng Công ty Lưỡng Thổ mua đã không thu được tiền.
Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội (gọi tắt là CQĐT) thì ngày 13-4-2011, Trần Văn Song là tổ trưởng tổ giao nhận hàng của Chi nhánh Hà Nội đã làm giả đơn xin cấp 2.200 tấn thép có giá trị 39 tỷ đồng cho Công ty Hồng Trang do Nguyễn Quốc Đạt làm giám đốc.
Ngày 14-4-2011, Cty Hồng Trang của Đạt đang nhận số lượng sắt là 1.390 tấn, tương đương 21,1 tỷ đồng thì bị phát hiện bán vượt phần ngân hàng bảo lãnh và Công ty CP gang thép Thái Nguyên dừng cấp hàng. Nhưng điều đáng nói, người ký nhận công nợ, ký hóa đơn GTGT thay cho Đạt với Chi nhánh Hà Nội lại là Nguyễn Thị Hồng Nhung. Vì vậy, sau khi kiểm tra phát hiện, Công ty CP gang thép Thái Nguyên thấy Công ty Lưỡng Thổ đã nhận hàng đủ giá trị bảo lãnh 75 tỷ đồng do Chi nhánh Hà Nội bán vào ngày 14-4-2011, nên đã giao chi nhánh có trách nhiệm thu số tiền 21 tỷ đồng này, nhưng Nhung không trả…

Cán bộ vô can, nhân viên chịu tội?
Theo cáo trạng VKS nêu, nguyên nhân mất 21 tỷ đồng là Dương Bá Hòa, giám đốc và Nguyễn Việt, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (KHTH) của Chi nhánh Hà Nội đã giao cho Trần Văn Song, tổ trưởng tổ giao nhận hàng Chi nhánh Hà Nội thực hiện việc xin cấp hàng tại Công ty CP gang thép Thái Nguyên theo trình tự: “Tài liệu do Chi nhánh Hà Nội fax lên tổ giao nhận hàng để Trần Văn Song hoàn chỉnh thủ tục (bao gồm phiếu xin cấp hàng, giấy báo có của ngân hàng và giấy xác nhận đối chiếu hàng hóa) chuyển cho phòng kế toán tài chính và kế hoạch thị trường (KHTT) và giám đốc Công ty CP gang thép Thái Nguyên duyệt cấp hàng mà không phải là bản chính”...
Khai tại cơ quan điều tra, Trần Văn Song cho rằng: Là tổ trưởng tổ giao nhận hàng của chi nhánh tại Thái Nguyên được Nguyễn Việt, trưởng phòng KHTH chỉ đạo xin cấp hàng để lấy hàng cho chi nhánh.
Tiếp đến Dương Bá Hòa, Giám đốc chi nhánh tại Hà Nội khai nhận nhiều thiếu xót trong việc bán hàng. Nguyễn Việt nói không chỉ đạo Song xin cấp hàng nhưng khi thấy khách nhận hàng do Dương Bá Hòa chỉ đạo cứ làm thủ tục viết hóa đơn xuất hàng nên Việt đã thực hiện. Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng của Chi nhánh Hà Nội không biết tài liệu bị làm giả. Bùi Trọng Đường, Phó phòng kế toán tài chính (KTTC) và Đặng Mạnh Hùng, Trưởng phòng KHTT của Công ty CP gang thép Thái Nguyên vì tin tưởng cán bộ chi nhánh nên đã duyệt cấp hàng.
Cũng theo cáo trạng, từ tháng 2 đến 4-2011, Công ty CP gang thép Thái Nguyên (ông Hoàng Văn Tòng, Phó tổng giám đốc; Đặng Mạnh Hùng, Trưởng phòng KHTT; Bùi Trọng Đường, Phó phòng KTTC) còn duyệt cấp hàng cho Chi nhánh Hà Nội 10 đơn xin cấp hàng giả (với phương thức làm giả từ các bản fax cũ của chi nhánh) để bán thép cho Công ty Hồng Trang và Lưỡng Thổ. Tuy nhiên, sau khi lấy được hàng 2 công ty này trả hết tiền cho Chi nhánh Hà Nội theo lượng hàng đã lấy, do chưa xảy ra hậu quả nên CQĐT không truy tố hành vi này vì không gây thiệt hại…
Trước đó, liên quan đến vụ án CQĐT có quyết định khởi tố bị can đối với Đặng Mạnh Hùng, Bùi Trọng Đường về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 285, Bộ Luật hình sự nhưng sau điều tra, CQĐT cho là “bị cán bộ chi nhánh lợi dụng”, thiếu trách nhiệm do không kiểm tra, không phát hiện được tài liệu giả nên đã đề nghị Viện KSND TP Hà Nội xem xét miễn trách nhiệm hình sự?!
Còn bị can Trần Văn Song trong cáo trạng của VKS thì bị truy tố “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165, Khoản 3 của Bộ luật Hình sự.
Sau khi nhận được cáo trạng của VKS, bị can Trần Văn Song cho là bị oan đã có đơn “kêu cứu” gửi cơ quan có thẩm quyền và Báo CCB Việt Nam. Trong đơn ông Song viết: Tôi là một đảng viên, một quân nhân thuộc đơn vị c11-d208-e20, Bộ Tư lệnh Công an vũ trang-nay là Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã xuất ngũ luôn sống ngay thật… Gia đình tôi rất khó khăn. Tôi không có quyền hạn, quyền lợi gì mà để lợi dụng. Tôi không cố ý làm trái, tôi làm theo sự chỉ đạo, nội dung đã được lãnh đạo chấp nhận và xin chịu trách nhiệm. Do đó tôi không phải là người gây nên hậu quả nghiêm trọng mà cáo trạng đã truy tố tôi”…
Doanh Chính