Ngày 21-3-2016, một phụ nữ trung niên người Hàn Quốc đã rải 22 triệu Won (tương đương 400 triệu đồng tiền Việt) trên quảng trường Seoul. Bà ta cho rằng cuộc sống cùng số tiền trên của mình đang bị chồng và con trai đe dọa. Vì vậy bà muốn “tiêu tán” số tiền này trước khi bị người thân hãm hại và chiếm đoạt tài sản.
Việc một phụ nữ bình thường, bỗng dưng đem một khoản tiền lớn ra rải giữa quảng trường thành phố là chuyện không bình thường, nhưng điều làm xôn xao dư luận là hết thảy những người Hàn Quốc đi qua “bãi” tiền đều thản nhiên, dửng dưng; không ai nhặt một tờ. Toàn bộ số tiền đó được cảnh sát nhặt gửi lại cho chủ nhân không thiếu đồng nào. Cảnh sát cũng cho biết, người phụ nữ này đã cố tình khước từ quyền sở hữu tài sản trước công chúng, cho nên xét theo luật, người dân không hề phạm pháp nếu họ lấy những đồng tiền đó.
Nhiều người đã sinh sống, công tác tại Seoul còn cho biết hằng ngày ở thành phố này cũng có nhiều người nghèo; có nhiều cụ già tuổi ngoài bát tuần vẫn kéo xe tay, bán đồ tái chế, hạt dẻ… kiếm sống; đêm về tá túc ga tàu điện ngầm; nhưng người ta vẫn dững dưng trước cả đống tiền có thể nhặt!
Trông người mà ngẫm đến mình. Cũng “đồng văn, đồng chủng”, cũng mũi tẹt da vàng, nhưng so sánh với “thiên hạ”, mới thấy ứng xử của người Việt bây giờ có nhiều điều thật phiền lòng, thậm chí xấu hổ (loại trừ chuyện trộm cướp của những phần tử bất hảo). Đó là cảnh xô đẩy tranh cướp chút quà tặng khuyến mại ở các siêu thị giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Đau lòng hơn là cảnh hôi của trong những vụ tai nạn giao thông. Nhiều vụ tai nạn, trong khi có người đang lo khắc phục sự cố, cấp cứu người thương vong, xử lý phương tiện hư hỏng…, thì không ít người “nhờ gió bẻ măng” lấy sạch tài sản của người bị nạn. Dẫn dụ vụ xe tải chở bia đâm vào thành cầu Bến Thủy (Nghệ An); trong khi tài xế suýt chết vì xe mất lái, đang mặt xanh nanh vàng, lại “chết đứng” bởi người đi đường đã nhanh tay lượm sạch hàng mấy trăm thùng bia… Đúng là “nhân văn” hết chỗ nói”!
Trước đây, đất nước đang đói nghèo trong rơm rạ, nhưng ít có chuyện phiền lòng như vậy. Tôi nhớ hồi chiến tranh chống Mỹ, quê tôi ven biển, gần Cửa Hội; khi địch phong tỏa giao thông đường thủy bằng thủy lôi; tàu không vào được bờ, phải cho gạo vào bao ny lông, thả từ ngoài khơi, để sóng đánh vào. Dân làng đêm đêm, nghe súng lệnh báo có gạo là tự giác kéo nhau ra chuyển về chất đầy nhà. Cả làng, cả xã như một kho gạo khổng lồ. Trong khi dân đói mờ mắt, đói triền miên; nhưng tuyệt nhiên không ai đụng một hạt gạo của Nhà nước; chỉ lo trông coi, bảo quản, rồi đêm đêm giao trả cho xe chuyển ra chiến trường.
Không ít người cảnh báo văn hóa người Việt đang tỷ lệ nghịch với đời sống vất chất. Trách ai bây giờ? Tôi nghĩ, từng chủ thể, mỗi gia đình, rồi hệ thống giáo dục, luật pháp và cả cộng đồng xã hội đều phải chịu trách nhiệm trước những biểu hiện xuống cấp của văn hóa Việt.
Hưng Nguyễn