Đoàn công tác lên đảo Đá Thị.
Hè năm ngoái, tôi đã có dịp tham gia cùng Đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa. Đoàn ra mấy đảo và Nhà giàn DK1 lần ấy gồm hơn 220 đại biểu thuộc 22 đầu mối đơn vị, địa phương trong cả nước.
Buổi chiều trước hải trình, sau bữa cơm tối, tôi ra sảnh đón gió biển. Gió biển từ vịnh Cam Ranh thổi dào dạt. Thi thoảng vài hạt mưa dông, đỏng đảnh giữa hè. Hình như trước bất cứ việc gì, có vài hạt mưa đều may? Sự giao hòa của đất trời có ý nghĩa về tâm linh lắm, lắm.
Tại sảnh Trường Sa Hotel, bất ngờ, tôi được gặp ông Trần Văn Lịch. Nghe tiếng nặng nặng của miền Trung, pha loãng cùng âm hưởng Bàu Tró, tôi đến lân la hỏi chuyện. Mới hay ông là CCB, quê xã Lý Hòa, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, từng công tác trong lực lượng Hải quân, gắn bó với Trường Sa trọn thời trai trẻ. Lần này, ra Trường Sa ông được bầu là Tổ trưởng Tổ CCB tỉnh Quảng Binh, gồm 5 người: Ông và Phạm Minh Cảnh, Nguyễn Thanh Việt, Hồ Quý Hữu, Trần Văn Tư. Đơn vị trước khi xuất ngũ là Hải đội 413, nay là Lữ đoàn 955, Quân chủng Hải quân.
Thời tại ngũ họ ở nhiều bộ phận khác nhau của Quân chủng Hải quân, nhưng điểm giống nhau ở chỗ, họ đều yêu biển, đảo; có mặt ở nhiều đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong những thời điểm đặc biệt nhất, khó khăn, thiếu thốn nhất. Trên từng khuôn mặt lam lũ, ngang dọc ký ức, tôi nhận ra họ hôm nay thật rạng ngời, thật vui khi được trở lại thăm “chiến trường xưa”, giữa muôn trùng sóng vỗ. Từ đó đến lúc kết thúc hải trình, tôi hay lân la cùng họ.
Ngày 25-5, trước khi xuất bến, Đoàn đến dâng hương tri ân Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma và Đài tưởng niệm liệt sĩ tù chính trị tại Cam Ranh (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Cụm tượng giữa “Vòng tròn bất tử” là hình tượng 9 người lính (đại diện cho 64 chiến sĩ) đã nằm lại phía chân trời giữa từng lớp sóng xô, sau lưng vẫn hiên ngang cờ Tổ quốc. Trang nghiêm, biết ơn, thành kính.
Đoàn CCB Quảng Bình xếp một hàng dọc, ngoài cùng bên trái. Trần Văn Lịch cố nén xúc động, nhưng hai hàng mi vẫn đẫm lệ, Anh kể lại cho tôi nghe về sự kiện bi hùng ngày 14-3-1988, giọng trầm, khan, ngắt quãng... Đã 35 năm tôi qua, nếu tính sáu giai đoạn một đời người, đã vào khung “tứ thập bất hoặc” (Khổng Tử)... Và chúng tôi cũng không ai giữ được nước mắt nữa. Tất cả đều khóc trong nghèn nghẹn...
Phải một hồi sau tôi mới kể cho Lịch và Đoàn nghe ý tưởng về Cụm tượng đài "Những người nằm lại phía chân trời" là của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Bức tượng trong “vòng tròn bất tử” có ý nghĩa đặc biệt đối với tác giả điêu khắc Lâm Quang Nới. Tượng được giới chuyên môn đánh giá cao về ý tưởng, bố cục, nghệ thuật tạo hình. Công trình có ý nghĩa cả về lịch sử và tâm linh; là thông điệp của tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, sự vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió và tình yêu vô bờ bến mà các Anh hùng liệt sĩ Hải quân Việt Nam đã dành cho non sông Việt Nam.
Thấy mọi người chăm chú lắng nghe, ghi chép, tôi phải giải thích thêm, những tư liệu tôi có được là do có người em từng làm Tổng biên tập Báo Lao động - Cơ quan truyền thông của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp.
Thấy đoàn chúng tôi ai nấy đều xúc động, cô giáo Lê Thị Thanh Tâm - giáo viên Trường Lương Thế Vinh (Cam Ranh) được trưng dụng làm hướng dẫn viên, chia sẻ: “Nhiều người đến đây cũng đều khóc. Em vốn là người dễ xúc động, thấy các bác khóc em cũng khóc theo...”.
Sau hơn 29 giờ hải trình, Đoàn công tác xuống ca-nô, đặt chân lên đảo Đá Thị - điểm dừng chân đầu tiên. Sau Đá Thị là Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông A, Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tại các điểm đến, thành viên Đoàn công tác nói chung, Đoàn CCB Quảng Bình nói riêng đều được thăm nơi ăn ở, sinh hoạt, gặp mặt, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ; trồng cây lưu niệm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Sự chuẩn bị của Đoàn CCB Quảng Bình khá chu đáo, ở bất cứ đảo nào, Đoàn cũng có quà tặng bộ đội giữ đảo.
Trong hải trình, Đoàn đã được “thực mục sở thị” những nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, quân dân huyện đảo Trường Sa. Sắc xanh của Trường Sa gợi lên không gian bình yên của những làng quê Việt Nam và cũng là hiện thân cho ý chí, quyết tâm xây dựng quần đảo Trường Sa thành chốt tiền tiêu chiến lược của Tổ quốc. Các chiến sĩ Hải quân cùng quân dân cả nước đang chung tay “xanh hóa” Trường Sa, bằng nhiều việc làm hiệu quả, thiết thực.
Tôi để ý thấy, Đoàn CCB Quảng Bình tham quan đảo khác hẳn chúng tôi. Các anh như vừa như người con đi xa lâu ngày trở về, ngỡ ngàng đến bất ngờ trước những đổi thay của các đảo. Và các anh cũng được bộ đội trên đảo dành cho tình cảm có phần gần gũi hơn... Nhất là hình ảnh các anh ngắm nghía các công sự, lặng lẽ vào các vườn rau nâng niu từng lá mùng tơi, cành rau muốn... được trồng trong các hộp xốp.
Hôm ở Trường Sa lớn, CCB Trần Văn Tư cứ tìm lại những công sự thời tham gia xây dựng. “Tìm không ra nữa, chỗ này, chỗ kia...” – Ông xúc động. Đúng là những công sự sơ khai ngày trước, đã thay đổi.
“Ngày xưa khổ hơn bây giờ biết mấy. Bộ đội giờ đã tự túc được rau nhờ giống, đất mang từ đất liền. Xưa chi có...”, giọng Trần Văn Lịch chắc nịch. Tôi nhớ, trên tàu ông đã nói, thời đó ra biển bằng tàu 200 tấn, hầu hết phải nằm ngay trên sàn tàu... Chao ơi, lúc đó chắc không ai nghĩ được lại có con tàu KN 491 hôm nay, tải trọng tới 2.000 tấn, gấp mười lần thời lính đảo Trần Văn Lịch!
Sau khi xuất ngũ, các anh Đoàn Quảng Bình, mỗi người làm một nghề. Có người may mắn ăn nên, làm ra; nhưng cũng có không ít còn rất khó khăn, chật vật. Tôi nể phục Trần Văn Lịch. Sau khi “cởi áo lính”, ông quẩy tráp ra Hải Phòng học Đại học Hàng hải Việt Nam và trở thành sỹ quan trên tàu viễn dương, rong ruổi cùng biển khơi, đến lúc nghỉ hưu.
Có lẽ vì thế, trong câu chuyện, Trần Văn Lịch nắm khá chắc về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982), Luật Biển Việt Nam (18/2012/QH13), luồng lạch, thời tiết, khí hậu biển... kể nhiều chuyện buồn, vui về nghề. Tôi chưa hiểu “lớp lang” trong tâm hồn ông, nhưng dám quả quyết một điều, ông là con người trung kiên, thủy chung với lý tưởng, trân quý những năm tháng đã cống hiến, vượt lên gian khó trong thời gian quân ngũ. Ông dám lên tiếng phản bác lại những nhận thức sai lệch, ngay cả khi cuốn sách “Vòng tròn bất tử” xuất bản, “có những câu, chữ hư cấu, bẻ cong lịch sử là không được” - ông nói chắc nịch.
Tôi mừng vì họ, bây giờ đều đã thành ông, thành bà, tiếp tục truyền cảm hứng biển đảo với thế hệ con cháu. Mững hơn, họ đã được tổ chức lại trong Câu lạc bộ CCB Hải quân ở Quảng Bình, cùng nhau sinh hoạt, “ôn cố tri tân”, động viên, sẻ chia nhau trong cuộc sống. Ở họ luôn ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trân quý những giá trị mà cha ông và lớp lớp người đi trước để lại.
Họ đã rời quân ngũ từ lâu, nhưng trái tim họ dường như vẫn vẹn nguyên phía đảo, tự hào xen lẫn cả những âu lo...
Ngô Đức Hành